Thời gian áp dụng quá ngắn
Nghị định 92 có hiệu lực trong vòng hai tháng. Trên thực tế khoảng thời gian này là quá ngắn để doanh nghiệp cập nhật, xác định nhóm hàng hóa dịch vụ mình cung cấp có thuộc danh mục giảm thuế hay không và tiến hành thay đổi, điều chỉnh mức thuế GTGT. Nhiều doanh nghiệp chưa kịp cập nhật các quy định mới về thuế GTGT thì nghị định đã sắp hết hiệu lực. Thuế GTGT đánh trực tiếp vào người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và khi các doanh nghiệp không tiến hành giảm thuế thì quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể. Hệ quả tất yếu là mục đích của chính sách giảm thuế nhằm hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch Covid đã không mang lại kết quả như kỳ vọng.
Điều chỉnh mức thuế GTGT trên hóa đơn điện tử
Thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị Định 123/2020/NĐ-CP từ 1/7/2022, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn truyền thống, trong đó bắt buộc chuyển đổi đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin.
Nếu tiến hành thay đổi mức GTGT, doanh nghiệp buộc phải thay đổi trên phần mềm hóa đơn điện tử cung cấp và quản lý bởi bên cung cấp dịch vụ. Việc xuất hóa đơn đã giảm GTGT có được hay không một phần phụ thuộc vào phần mềm hóa đơn điện tử có thể hiện trường nội dung như hướng dẫn hay không. Trường hợp bên cung cấp dịch vụ chưa cập nhật các thay đổi về thuế trên phần mềm của mình, doanh nghiệp rất khó khăn khi xuất hóa đơn hoặc thậm chí không thể tiến hành xuất hóa đơn như thường lệ.
Thời điểm xác định mức thuế GTGT
Vấn đề mà các doanh nghiệp hiện còn băn khoăn đó là liệu hàng hóa, dịch vụ cung cấp trước thời điểm ngày 1/11/2021 nhưng xuất hóa đơn giá trị gia tăng sau ngày Nghị định 92 có hiệu lực thì có được áp dụng không?
Dù có quy định giảm thuế hay không, doanh nghiệp cần xác định được thời điểm xác định thuế GTGT.
Theo Điều 8. Thông tư 219/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thuế GTGT được xác định như sau:
“1. Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
2. Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Về nguyên tắc, hàng hóa nằm trong danh mục được giảm thuế GTGT nếu được chuyển giao cho người mua vào thời điểm nào thì xác định thuế GTGT vào thời điểm đó. Nói cách khác, thời điểm xuất hóa đơn GTGT trong trường hợp này không có ý nghĩa trong việc xác định thuế GTGT áp dụng đối với hàng hóa. Trong khi đó, thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ được xem là thời điểm xác định thuế GTGT. Như vậy, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, nếu việc cung ứng dịch vụ hoàn thành trước thời điểm Nghị định 92 có hiệu lực nhưng xuất hóa đơn trong tháng 11/2021, doanh nghiệp vẫn có quyền giảm thuế GTGT cho dịch vụ này khi tiến hành xuất hóa đơn.
Doanh nghiệp áp dụng các quy định giảm thuế GTGT trong tâm thế lo ngại vi phạm các quy định về thuế do áp dụng sai. Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp chọn không áp dụng quy định về giảm thuế mới để tránh rủi ro. Hệ quả là, mặc dù người tiêu dùng, người sử dụng hàng hóa, dịch vụ là đối tượng được trực tiếp giảm gánh nặng về GTGT, quyền lợi của họ phần nào bị ảnh hưởng vì các doanh nghiệp bỏ qua việc thực hiện các quy định về miễn giảm thuế này.
Do đó, các chính sách giảm thuế hiện nay cần có sự cải thiện để thực sự mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như người dân nói chung.
NỀN Logistix|Celigal