Ngày 11/2, giá xăng RON 95 trong nước vượt mốc 25.000 đồng/lít. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Lần này nếu không chi quỹ bình ổn giá, giá xăng E5 RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.058-1.362 đồng/lít so với giá hiện hành.
Mặc dù liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, giá các mặt hàng này vẫn tăng cao.
Vận tải, dịch vụ thêm lao đao
Xăng, dầu tăng sốc và đối tượng chịu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp nhất chính là người dân. Sáng 11/2, nghe tin chiều nay giá xăng sẽ tăng hơn 1.000 đồng/lít, Thùy Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) chạy vội ra cây xăng gần nhà đổ thêm 70.000 đồng.
“Trước đây, tôi chỉ cần đổ 60.000-70.000 đồng là đầy bình xe nhưng nay đổ 100.000 đồng vẫn chưa đủ. Xăng tăng kéo theo giá các mặt hàng khác đều tăng, trong khi mức lương vẫn giữ nguyên”, Linh than.
Thực tế, nếu như một năm trước, xe Honda Vission năm 2020 có dung tích bình xăng là 5,2 lít của Linh chỉ cần đổ 94.000 đồng sẽ đầy thì nay khi giá xăng tăng vọt lên 25.320 đồng/lít, số tiền cần để đổ đầy bình cũng lên mức 132.000 đồng.
Bên cạnh người dân, các tài xế xe ôm, taxi công nghệ cũng không giấu được lo lắng khi giá xăng tăng cao kỷ lục thời gian qua.
“Giá cước taxi vẫn là 12.500 đồng/km nhưng giá xăng lại tăng liên tục, chưa kể chi phí điện thoại, chiết khấu, quãng đường đón trả khách khiến tài xế như chúng tôi rất vất vả. Hôm qua tôi cũng tranh thủ đi đổ đầy bình xăng trước giờ tăng giá”, anh N., một tài xế hãng taxi Mai Linh chia sẻ.
Xăng vượt mốc 25.000 đồng/lít, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, nhất là vận tải cũng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Bởi, xăng dầu là đầu vào của đa số các ngành nghề này, khi chi phí vận tải tăng thì đẩy giá hàng hóa, dịch vụ vận chuyển tăng theo.
Nói với Zing, ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty CP vận chuyển Á Châu – cho biết trước Tết Nguyên đán, khi giá xăng tăng mạnh, công ty ông đã điều chỉnh tăng giá cước.
“Tuy nhiên, nếu xăng dầu tiếp tục tăng sốc, đơn vị sẽ buộc phải điều chỉnh thêm. Hiện chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35% tổng chi phí của doanh nghiệp, do đó khi giá mặt hàng này tăng, cước vận chuyển cũng phải điều chỉnh tương ứng”, ông nói.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10-20% thì đơn vị sẽ điều chỉnh giá cước từ 3,5-10%, tùy theo sự biến động.
Ông Thành đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển đã bắt đầu ổn định trở lại. “Tuy nhiên, hiện nay xăng dầu đang tăng giá rất cao khiến đơn vị gặp không ít khó khăn. Việc tăng giá phải thật khéo léo, thận trọng nếu không rất dễ mất khách hàng”, ông nói.
Theo ông Thành, người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng vì xăng tăng, dịch vụ vận chuyển, giá nguyên liệu, các mặt hàng đều phải tăng theo. “Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã tăng khoảng hơn 50%”, ông Thành tính toán.
Thị trường sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, câu chuyện một quán phở Thìn nổi tiếng ở Hà Nội thông báo tăng giá lên mức 90.000 đồng/bát gây xôn xao dư luận. Theo một vài người, nguyên nhân quán phở này tăng giá vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cụ thể là hành lá.
Thực tế theo khảo sát của Zing, so với thời điểm đầu năm 2021, giá thực phẩm tươi sống, sữa, gạo, dầu ăn và các loại thực phẩm chế biến sẵn… đã tăng 10-30% vì đà tăng liên tục của giá xăng dầu.
Nhiều quán ăn cũng tăng giá bán vì sức ép giá nguyên liệu tăng. Đơn cử, bún đậu mắm tôm tăng 10.000-15.000 đồng/suất; bánh xèo 60.000 đồng/suất 10 cái thì nay tăng lên 70.000 đồng; bún bò 35.000 đồng/suất nay cũng tăng giá 50.000 đồng/suất…
Trong báo cáo gần đây, Cục Quản lý giá cũng nhận định trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới.
Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.
Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
“Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt”, Cục Quản lý giá lo ngại.
Trao đổi với Zing, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) – cho rằng xu thế tăng giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu thế giới khó có thể đảo ngược trong nửa đầu 2022, khi nhu cầu nguyên liệu vào mùa hè tăng, kinh tế thế giới bước vào phục hồi mạnh mẽ.
“Trong bối cảnh đó, quỹ bình ổn xăng dầu lại không còn dư địa để hỗ trợ thì Bộ Tài chính cần có động thái cân nhắc giảm các loại thuế, phí trên giá xăng dầu để hỗ trợ tăng trưởng”, ông nói.
Về dài hạn, theo lãnh đạo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, cần nghiên cứu lại cách thức điều hành hiệu quả quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường tự do.
“Chỉ khi nào giá bán lẻ xăng, dầu chịu áp lực cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, cũng như các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thì việc cắt giảm các chi phí trung gian, logistic, đổi mới công nghệ mới trở thành biện pháp quan trọng để giảm giá thành và tăng năng lực cung ứng”, ông nêu quan điểm.
Chính vì thế, một trong những cách thức tối ưu là cần mở cửa thị trường nguyên liệu nói chung và xăng dầu nói riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.