Tác động tức thời của cuộc chiến mà Nga đang tiến hành tại Ukraine đối với nền kinh tế thế giới và vận chuyển container là chưa đáng kể, nhưng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng.
Trong một báo cáo công bố trước đây, Drewry đã bình luận đầy hy vọng rằng rủi ro do căng thẳng địa chính trị leo thang đối với thương mại và kinh tế thế giới có thể đã bị cường điệu quá mức. Rất tiếc là, điều ngược lại đã xảy ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động một cuộc tấn công quân sự vào nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2.
Khi nỗ lực ngoại giao trong các tuần trước đó và những lời đe dọa trừng phạt đối với Nga chỉ là nước đổ lá khoai, thì lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đưa ra các quyết định khác đối phó với ông chủ của điện Kremlin. Mặc dù không ai có thể tiên lượng rằng về lâu dài câu chuyện này rồi sẽ diễn ra như thế nào, nhưng một số hậu quả rõ ràng thì có thể nhận ra ngay lập tức; Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm là 100 USD/thùng chỉ vài giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu, thị trường chứng khoán trên khắp thế giới lao dốc, còn tại Nga thì lao xuống vực, trong khi đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục. Giá cả nhiều loại hàng hóa và năng lượng thì tăng mạnh.
Tác động tiêu cực từ cuộc chiến đối với ngành vận chuyển container đường biển có thể sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để thành hiện thực, và mối đe dọa đến lĩnh vực vận tải biển bên ngoài khu vực chiến sự ở thời điểm này là tương đối thấp. Các cuộc tấn công mạng trả đũa có thể ảnh hưởng đến vận tải biển và chi phí nhiên liệu tăng nhanh có lẽ là những mối quan tâm chính hiện nay của các chuyên gia trong ngành.
Trong tương lai gần, các con tàu sẽ tránh đi loanh quanh trong khu vực Biển Đen (cảng Odessa của Ukraine đã bị đóng cửa ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra và các hãng tàu đã thông báo đến khách hàng rằng tàu tạm thời sẽ không còn cập cảng ở Ukraine nữa), nhưng dù sao đi nữa thì đây cũng không phải là khu vực quá bận rộn, chỉ có ba tuyến dịch vụ liên lục địa (theo Drewry ghi nhận) ghé qua các cảng trong khu vực này, do đó sự gián đoạn mà cuộc chiến gây ra với mạng lưới vận chuyển container quốc tế sẽ không phải là điều gì đó mang tính thảm họa.
Tuy nhiên, triển vọng của vận tải container đường biển về bản chất gắn liền với nền kinh tế toàn cầu và gần như chắc chắn rằng sự liều lĩnh của Putin sẽ dẫn đến mức độ biến động kinh tế nhiều hơn, thậm chí còn gây ra lạm phát cao hơn trên toàn thế giới, trong bối cảnh nhân loại thì vẫn đang quay cuồng với đại dịch
Các nhà kinh tế học rồi sẽ phải miệt mài tính toán xem mức độ thiệt hại sẽ gây ra từ cuộc chiến sẽ là bao nhiêu, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy rằng cuộc xâm lược ở giai đoạn đầu sẽ không tạo ra quá nhiều tác động trầm trọng. Cùng ngày Putin động binh, Oxford Economics chỉ hạ 0,2 điểm phần trăm cho triển vọng GDP toàn cầu cho năm 2022 (và 0,1 điểm cho năm 2023) khi tổ chức này điều chỉnh dự báo cơ sở cho GDP toàn cầu nếu xảy ra kịch bản cuộc chiến được triển khai toàn diện tại Ukraine.
Drewry cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo trên nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và các đồng minh phương Tây của Ukraine sẽ dự phần, điều mà Putin đã cảnh báo một cách rất đáng ngại là sẽ dẫn đến “hậu quả chưa từng có trong lịch sử”.
Cách người tiêu dùng phản ứng với mức lạm phát cao là một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất khi dự đoán triển vọng của thị trường vận tải container. Mức tăng trưởng sản lượng xếp dỡ tại các cảng trên toàn cầu đã chậm lại trong vài tháng qua và một sự gia tăng đột ngột khác trong chi phí sinh hoạt sẽ chỉ làm giảm triển vọng thị trường thêm nữa.
Thực ra, chiến sự tại Ukraine chưa hẳn là tệ nhất, vì vẫn có một số động thái còn tệ hơn có thể xảy ra trong thời gian tới, bao gồm cả việc Trung Quốc cảm thấy được khuyến khích từ câu chuyện ở châu Âu và sẽ cao hứng diễn lại vở kịch của Putin ở Đài Loan, vở kịch sẽ khiến ngành vận tải biển gặp vô vàn khó khăn.
Chúng ta có thể hình dung một kịch bản mà hiện tại có xác suất xảy ra không cao lắm, đó là nền kinh tế rơi vào lạm phát kéo theo sự suy giảm bất ngờ về nhu cầu vận chuyển container. Và có thể, suy thoái thương mại sẽ đủ ‘suy thoái’ để hạ nhiệt một số áp lực lên chuỗi cung ứng vận tải container hiện nay, mang lại cho các cảng không gian ‘giải lao’ cần thiết để vượt qua sự tắc nghẽn hiện tại.
Nhưng chiến tranh là một cái giá quá đắt để trả cho một chút hạ nhiệt của chuỗi cung ứng toàn cầu.
NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Drewry