Trao đổi với Zing, đại diện GHN cho biết doanh nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để duy trì giá cước giao hàng trong bối cảnh giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp kể từ giữa tháng 12/2021, lên mức kỷ lục 28.985 đồng/lít với xăng E5 RON 92 .
Theo đó, GHN đang điều chỉnh các khoản trợ cấp cho shipper của doanh nghiệp để họ yên tâm hoạt động khi chi phí nhiên liệu lên cao. Tương tự, đại diện Ahamove cũng chia sẻ doanh nghiệp đang duy trì thưởng cho shipper để hỗ trợ lực lượng này. Bên cạnh đó, Ahamove cũng đang theo dõi sát diễn biến giá xăng và sẽ có chính sách phù hợp tùy theo thị trường.
Còn theo Lazada, sàn TMĐT này chia sẻ chưa ghi nhận ảnh hưởng đáng kể nào từ việc tăng giá xăng tới hoạt động giao vận hàng hóa. “Với chiến lược xây dựng một hệ sinh thái TMĐT bền vững, chúng tôi đang tiếp tục ứng dụng các công nghệ đột phá để giảm thiểu tiêu thụ xăng dầu”, sàn này chia sẻ.
Trước đó vào sáng 11/3, một lượng lớn shipper của ShopeeFood đã tập trung tại văn phòng của ứng dụng này tại Đà Nẵng trên đường Nguyễn Văn Linh để yêu cầu doanh nghiệp tăng cước phí giao hàng và hỗ trợ thêm thu nhập.
Theo chia sẻ của một số tài xế, giá xăng tăng liên tục trong thời gian gần đây đặt áp lực không nhỏ lên các shipper công nghệ. Giá cước không thay đổi trong khi chi phí ngày một tăng khiến thu nhập giảm trông thấy.
Sau kỳ điều giá bán lẻ mới nhất, từ 15h ngày 11/3, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.
Áp lực từ giá xăng tăng đã khiến hàng loạt ứng dụng cung cấp dịch vụ giao hàng, gọi xe đã phải điều chỉnh giá cước. Điển hình là giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo.
Như vậy, giá cước này đã tăng khoảng 2.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 500 đồng cho mỗi km tiếp theo trên các cuốc xe taxi công nghệ của Grab, tương đương mức tăng khoảng 5% so với lần điều chỉnh giá cước gần nhất.
Tương tự, các ứng dụng như Be, Baemin cũng lần lượt phải thông báo điều chỉnh giá cước do giá xăng tăng cao. Giá cước mới cho dịch vụ giao đồ ăn của Baemin sẽ ở mức 16.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo, trong khi dịch vụ đi chợ hộ có giá cước lên mức 21.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo.