Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho một “cuộc di cư hàng loạt” vào mùa hè này, do các lệnh hạn chế về Covid cũng như việc phong tỏa quá mức tại một số địa phương ở quốc gia này.
Kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại Đức (GCC) tại Trung Quốc cho thấy gần một phần ba nguồn nhân lực nhập cư có dự định rời khỏi Trung Quốc, với 10% trong số đó muốn làm như vậy trước khi hợp đồng lao động hiện tại của họ kết thúc.
Ông Maximilian Butek – Giám đốc điều hành GCC tại Thượng Hải, cho biết: “Trong bối cảnh triển khai cách xử lý dịch Covid ở Trung Quốc hiện nay, thì các công ty Đức sẽ gặp nhiều thách thức khi muốn thay thế nhóm nhân sự này bằng những nhân viên mới từ nước ngoài”.
Trong thực tế, cho dù có một số báo cáo về việc nới lỏng lệnh cấm ở Thượng Hải, các lao động nước ngoài lại phản ánh về việc thắt chặt thêm các biện pháp tại thành phố Thượng Hải trong tuần trước, khiến nhiều người không thể rời khỏi tòa nhà chung cư của họ, hoặc thậm chí không thể tiếp cận đầy đủ các nhu yếu phẩm cơ bản.
Theo ông Colm Rafferty, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc, bất kỳ nhân viên nước ngoài nào đến Trung Quốc đều phải đối mặt với các thủ tục xét nghiệm “rất phiền phức” trước chuyến bay và “các yêu cầu kiểm dịch nhiêu khê nhất và không thể đoán trước lúc đến được Trung Quốc”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho hàng loạt sự đào thoát khỏi Trung Quốc từ các nhân sự nước ngoài vào mùa hè này, trong bối cảnh chỉ một số ít nhân sự nước ngoài sẵn sàng đảm nhận các vị trí công việc ở Trung Quốc.”
Trong khi đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã được “bật đèn xanh” để tái hoạt động nhưng theo cuộc khảo sát của GCC cho thấy các doanh nghiệp được phép tiếp tục sản xuất dưới lệnh phong tỏa chỉ “hoạt động ở mức 46% công suất”.
Thêm vào đó, những công ty được khảo sát cho biết năng lực sản xuất của công ty họ bị cản trở bởi “thiếu nguồn cung cấp dịch vụ logistics (69%), thiếu nguyên vật liệu và bán thành phẩm (69%), thiếu giấy thông hành (56%), người lao động không thể rời khỏi nơi cư trú (56%) hoặc quận mà họ cư trú (43%) và sự không chắc chắn do chính sách thay đổi nhanh chóng (41%)”.
Ông Butek nói thêm: “Thực trạng mà các công ty Đức phải hoạt động tại Trung Quốc chỉ là giải pháp ngắn hạn trong các tình huống khẩn cấp. Việc đóng cửa, sản xuất khép kín là một giải pháp mà các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Trung Quốc không thể chấp nhận được.”
“Áp lực từ các khách hàng quốc tế đang tăng lên trong bối cảnh sự tin tưởng vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đang giảm xuống. Chuỗi cung ứng không thể thay đổi trong một sớm một chiều nhưng có thể thay đổi theo thời gian, và nếu sự gián đoạn tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc mà không có bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào, sẽ có nhiều chuỗi cung ứng được chuyển sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc”.
Trong khi đó, thách thức logistics lớn nhất ở Thượng Hải vẫn là năng lực vận tải đường bộ. Một doanh nghiệp giao nhận vận tải hàng không (airfreight forwarder) chia sẻ với The Loadstar rằng: “Hiện đã có nhiều hơn những chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Phố Đông (Pudong), nhưng vẫn chưa thực sự nhộn nhịp. Tại tất cả các sân bay lớn trên toàn quốc, thách thức lớn nhất vẫn là câu chuyện vận tải đường bộ và tác nghiệp xử lý mặt đất, vốn đang chậm hơn bình thường. Việc vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài có thể mất một ngày chờ đợi, nhưng thời gian vận chuyển đối với hàng giao/nhận trong nước thực sự là ác mộng, với thời gian chờ đợi lên đến năm ngày để làm thủ tục nhận hàng.
NỀN Logistix | Kim Hải / Theo The Loadstar