Tàu RO-RO chuyên chở ô tô có gì đặc biệt?

Ô tô xuất khẩu đơn chiếc được xếp trong container, nhưng khi xuất khẩu hàng loạt cần những con tàu RO-RO chuyên dùng, sức chở hàng nghìn xe.

0
1730
Chuyến tàu xuất cảng lô xe điện, được cho là khoảng hơn 500 chiếc VF8 xuất cảng đi Mỹ và Châu Âu

Một bức thư mời tham dự lễ xuất cảng lô xe điện đầu tiên của VinFast, thời gian vào ngày 25/11/2022 tại cảng MPC Đình Vũ (Hải Phòng) gây chú ý của dư luận trong những ngày gần đây.

Phương tiện chuyên chở lô xe điện, là một con tàu màu trắng sơn dòng chữ VinFast lớn màu xanh, đang neo đậu bên vịnh Hạ Long.

Đây là tàu biển RO-RO (tàu chở phương tiện có bánh xe, roll on – roll off) mang tên Silver Queen nằm trong loạt tàu cùng được đóng năm 2009, hiện tàu mang quốc tịch Panama.

Silver Queen thuộc sở hữu của Siem Car Carriers, hãng logistics chuyên chở ô tô kèm cung cấp giải pháp cho thuê, thuê mua phương tiện vận tải hậu cần chuyên dùng.

Tàu Silver Queen (số IMO 9427938) có chiều rộng 32m, dài 183m với tải trọng 11.373 tấn, khả năng chuyên chở tối đa khoảng 4.500 xe ô tô cỡ SUV và một số xe mini buýt.

Silver Queen chuyên dùng để chở ô tô, được gọi là tàu thuần chở ô tô (PCC – Pure Car Camer), với nhận dạng đặc trưng luôn có 1 cầu dẫn lớn phía đuôi và 1 cầu dẫn bên mạn phải, để xe du lịch hạng nhẹ chạy trực tiếp từ cầu lên boong.

Nhìn từ xa, con tàu như một cái hộp khổng lồ trên biển, thượng tầng chạy suốt bịt kín cả chiều dài lẫn chiều rộng tàu. Tất cả kín mít nhằm bảo vệ những xe ô tô mới, trên hải trình hàng tháng trên biển.

Tàu Silver Queen (số IMO 9427938) rộng 32m, dài 183m với tải trọng 11.373 tấn, trước thời điểm được sơn logo ở Việt Nam

Kết cấu đặc biệt nhất của các tàu RO-RO là một hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động vô cùng mạnh mẽ.

Trên tàu có hệ thống chèn, tự động khoá xe lại với boong tàu cũng như một hệ thống thông gió để hút hết khí xả của xe nếu nó còn tích tụ trên các boong.

Silver Queen đến Đông Nam Á từ cảng Baltimore (Mỹ) ngày 28/8/2022, tàu có tốc độ hành trình 21 hải lý/giờ.

Trước khi đến Việt Nam, tàu Silver Queen vẫn mang dòng chữ Siem Car Carriers bên thân tàu.

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, tàu Silver Queen được sơn lại dòng chữ VinFast và logo hãng xe tại một nhà máy đóng tàu ở Hạ Long, giữ nguyên nhận diện tàu theo đăng kiểm là màu trắng – đỏ.

Tại cảng MPC Port ở khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), lô xe điện đầu tiên sẽ lên tàu trong một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Xe ô tô nhập khẩu xuống cảng Tân Vũ từ tàu Tianjin Highway, một tàu RO-RO cùng lớp với chiếc Silver Queen. Ảnh: Lam Anh

Một nhân viên điều hành mảng xếp dỡ của cảng Tân Vũ (thuộc cảng Đình Vũ, Hải Phòng) cho hay, thông thường tàu RO-RO đưa xe nhập khẩu về Việt Nam sẽ xuống hàng ở cảng Tân Vũ, do bãi cảng Tân Vũ rộng hơn kho cảng MPC thuộc sở hữu của Công ty MIPEC.

Theo đó, quy trình ô tô lên hoặc xuống tàu đều phải dùng tài xế trung chuyển, các xe điện và xe xăng có dự trữ năng lượng (nhiên liệu) mức tối thiểu, đủ để lên xuống tàu và đi thêm khoảng vài chục ki-lô-mét đến nơi vận chuyển nối tiếp bằng đường bộ.

Với quy trình xếp xe lên tàu, một xe minibus 12 chỗ sẽ chở các tài xế từ tàu xuống bãi, sau đó khoảng chục tài xế trung chuyển lần lượt lái những xe mới lên tàu một cách thận trọng qua cửa bên hông, xếp xe vào các boong tàu theo trình tự từ boong cao xuống boong thấp, theo chỉ dẫn qua bộ đàm của người điều hành boong.

Việc xếp xe theo làn trong boong tàu theo nguyên tắc cân bằng, để tàu không nghiêng lệch do mất cân bằng tải.

Tốc độ xếp dỡ phụ thuộc vào số lượng tài xế trung chuyển, thông thường mất từ 3 – 5 ngày để hoàn tất việc xếp dỡ 2.000 chiếc ô tô từ tàu lên/xuống bãi cảng.

Bằng chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên trên con tàu sơn logo riêng, VinFast đang hiện thực hóa cam kết giao xe đến tay khách hàng châu Âu và Bắc Mỹ, trước thời điểm tiến hành IPO tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vào tháng 1 năm sau.

Video cảnh đưa tài xế trung chuyển lên tàu RO-RO tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng)

(Theo baogiaothong.vn)