Logistics được ví là huyết mạch của nền kinh tế, nhưng tại Việt Nam, mới được nhận diện trong vài năm gần đây. Nhắc đến những hoạt động nhằm “kích hoạt” huyết mạch này, phải nhắc đến ông Trần Thanh Hải (SN 1968, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương).
“Huyết mạch” của nền kinh tế
Đến tận thời điểm này, khi Diễn đàn Logistics Việt Nam đã được tổ chức đến năm thứ 10, có thể vẫn còn một số người chưa hiểu hết ngọn ngành của nội hàm logistics. Ông Hải tóm gọn một cách rất dễ hiểu “logistics giống như hoạt động du lịch, chỉ khác đối tượng phục vụ”. Du lịch cần máy bay, ô tô và nơi lưu trú. Hàng hóa cũng vậy, cần nhà kho để lưu trữ hàng, cần ô tô – máy bay vận chuyển.
Tuy nhiên, với ngành du lịch, khi du khách đến và tiêu tiền mua sắm, đóng góp cho thương mại địa phương tại địa điểm du lịch; thì chuỗi dịch vụ kết thúc. Còn hàng hóa có hành trình dài hơi hơn bởi hàng hóa có thể là đầu vào của chuỗi kinh doanh khác nên sẽ còn tiếp tục tỏa đi nhiều nơi, chuỗi giá trị kéo dài, bất tận… Đó cũng là những vấn đề đầu tiên mà ông Hải suy nghĩ về logistics những ngày đầu tìm hiểu khái niệm này.
Về công tác tại Bộ Công Thương từ 1996, ông Hải bắt đầu công việc ở Vụ Thương mại đa biên với vai trò chuyên trách đàm phán hội nhập. Sau đó ông được luân chuyển sang Cục Thương mại điện tử (TMĐT – hiện là Cục TMĐT & Kinh tế số). Năm 2007, ông được cử sang làm tham tán thương mại tại Thương vụ Việt Nam tại Italia.
Năm 2012, ông về nước, công tác tại Cục Xuất nhập khẩu và gắn bó đến nay. Chia sẻ về việc gắn bó lâu với hoạt động xuất nhập khẩu, ông Hải cho biết, hoạt động này liên quan đối ngoại nhiều, phù hợp thiên hướng sở trường của ông.
Trong quá trình “bơi” với các công việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Hải tiếp cận logistics và nhận ra ngành này gắn liền với xuất nhập khẩu. “Vai trò của logistics thể hiện rất rõ ràng và chuỗi giá trị rất lớn. Vừa tìm hiểu tôi đã thấy nó rất thú vị nên dành thêm nhiều thời gian tìm hiểu cặn kẽ và cố gắng thúc đẩy lĩnh vực này”, ông Hải kể.
Ông Hải đánh giá, logistics là huyết mạch nền kinh tế, là hoạt động diễn ra trong mọi mặt đời sống, rất gần gũi với con người, từ những chiếc xe máy ship hàng đến những xe container hàng chục tấn cũng nằm trong chuỗi này. “Nhưng điều lạ là dù giá trị lớn như thế, nhưng khi tôi mới quay trở về Việt Nam sau khi kết thúc nhiệm kỳ tham tán thương mại, bắt đầu tiếp cận với ngành này thì logistics ở Việt Nam vẫn rất mờ nhạt”, ông Hải nói.
“Thời điểm ấy hầu như DN tự làm, Nhà nước không có vai trò điều phối, điều hành trong đó. Sau khi tìm hiểu và mong muốn phát triển logistics, tôi thấy rằng cần sự định hướng dẫn dắt của Nhà nước để giúp DN phát triển hơn”, ông Hải nhớ lại. Ông tìm hiểu và tập hợp các DN làm trong lĩnh vực, đề xuất Diễn đàn Logistics lần đầu tiên vào 2013. Bộ Công Thương vào cuộc, logistics dần được quan tâm và có không gian phát triển rộng rãi với 9 lần tổ chức diễn đàn, đều có lãnh đạo Chính phủ tham dự.
Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng cải cách hành chính của Thủ tướng) cho biết, thời điểm 2016-2017, khái niệm logistics chưa thực sự phổ biến, chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Điều đáng mừng là sau khi được nhận diện rõ nét, logistics được nhiều lãnh đạo ủng hộ, thúc đẩy chính sách liên quan, đặc biệt các chuyên đề cải cách cắt giảm chi phí logistics.
“Nhỏ không đồng nghĩa với yếu”
Ông Hải nhớ lại, thời điểm mới tiếp cận ngành này, hầu hết các ngành khác đều có văn bản định hướng phát triển, nhưng logistics tuyệt nhiên chưa hề có văn bản gì. Ông đề xuất xây dựng chiến lược phát triển ngành nhưng khi đưa lên cấp có thẩm quyền thì hầu hết đều nhận thấy đây là khái niệm rất mới. Và lời khuyên mà cấp thẩm quyền dành cho ông là nên đề xuất đưa ra xây dựng kế hoạch hành động, mang tính chất trung hạn bởi chiến lược thì cần dài hơi.
Trên cơ sở đó, ông cùng các cộng sự xây dựng kế hoạch hành động, trình Thủ tướng ban hành. Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025 chính là văn bản đầu tiên đưa ra quan điểm định hướng phát triển logistics. Năm 2021, Bộ Công Thương đã trình Quyết định 221, bổ sung cập nhật Quyết định 200 cho phù hợp hơn.
Ông Hải nói, trong quá trình tập hợp thông tin, tìm hiểu chắt lọc xây dựng kế hoạch, dù kế hoạch chỉ có 10 trang; nhưng là cả một quá trình cô đọng tìm hiểu, lựa chọn những vấn đề đưa ra, giải pháp thiết thực để tạo ra đòn bẩy thay đổi tư duy về logistics, trong đó có nhấn mạnh “nhân lực của ngành là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai”.
“DN có thể nhỏ về vốn, quy mô. Nhưng nhỏ không đồng nghĩa với yếu nếu có những con người chuyên nghiệp, có năng lực. Nhân lực tự xây dựng, đào tạo, là chìa khóa cạnh tranh. Việt Nam có vị trí tự nhiên tốt để phát triển ngành này”, ông nói về lý do đánh giá nhân lực chính là một giải pháp để phát triển ngành.
Bằng tình yêu, đam mê, ông đã vận động, kết nối các tỉnh thành, các hiệp hội để thành lập những tổ chức chuyên về nhân lực dành cho logistics. Chức danh Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển logistics Việt Nam được dành cho ông như một lời cảm ơn, tri ân đến người có vai trò lớn trong kích hoạt các hoạt động logistics.
Bà Phạm Ngọc Thủy đánh giá: “Người có công lớn, người nhiệt huyết và cặm cụi vì logistics nhất, chắc không ai hơn ông Hải. Diễn đàn cấp cao Logistics Việt Nam duy trì liền mạch suốt nhiều năm qua, sự hoàn thiện của hệ thống chính sách, sự phát triển và gắn kết của đội ngũ DN, sự tăng cường tiếng nói hiệp hội ngành… đều có vai trò của ông Hải”.
Về phía ông Hải, khiêm tốn lý giải: “Sau Quyết định 200 tôi nhận thấy có sự thay đổi rất rõ. Sự quan tâm hiểu biết về logistics của các bộ, ngành, địa phương nhiều hơn. Các DN thấy có sự quan tâm của Nhà nước thì như được tiếp thêm sức mạnh, có thêm sự động viên, nên có sự phát triển đúng hướng”.
Theo ông Hải, logistics ở Việt Nam mới chỉ cung cấp dịch vụ trong nước, chưa vươn ra được thế giới. “Nói một cách dễ hiểu, logistics của DN Việt mới chỉ dừng lại ở ngay trước thềm bến cảng. Sau khu vực này đang là “sân chơi” của DN nước ngoài”, ông nói. Đó là lý do các chuyến đi ra thế giới để DN Việt học tập mô hình hoạt động vận hành của các DN logistics lớn, từ đó tự tin trong các hoạt động kinh doanh, tận dụng những lợi thế của Việt Nam; được tổ chức hàng năm.
Ngoài ra, điều mà ông Hải còn băn khoăn là hiện nay vẫn chưa có một bộ máy tương xứng để vận hành khi “cỗ xe” bắt đầu lăn, chuyển động. Hiện Bộ Công Thương đang xem xét đề xuất nâng cao kiện toàn bộ máy quản lý và dẫn dắt ngành. “Giống như câu chuyện hội nhập cách đây 25-30 năm, khi mọi người chưa hiểu hội nhập là như thế nào nên khó khăn khi đưa ra chính sách phát triển, giờ logistics cũng gặp khó khăn tương tự”, ông Hải chia sẻ lý do vẫn đang cần mẫn cùng Bộ Công Thương và các cấp ngành, tiếp tục thúc đẩy phát triển logistics để ngành này có vị thế tương xứng vai trò.
Theo Pháp Luật Việt Nam