TEMU là ai?
TEMU là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay. Vào năm 2022, GMV của Temu chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.
Trước Temu, 2 trang thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc là Taobao và 1688 đã có những động thái mới nhằm giúp người bán của quốc gia tỷ dân này tiếp cận thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện phiên bản ra mắt của website Temu Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chỉ có tiếng Anh (không có tiếng Việt); chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng (không chấp nhận ví điện tử địa phương) và chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển là Ninja Van và Best Express.
Làm gì trước “làn sóng” TEMU?
Dưới góc nhìn của một người trong ngành Logistics, mình thử phân tích hiện tượng này và mong được sự trao đổi với các Anh Chị Em có cùng mối quan tâm:
Cơ hội của người đến sau
Không phải là người đi trước như Alibaba, JD nhưng PDD có lợi thế là các ông lớn đi trước đã chi rất nhiều tiền để tạo thói quen mua sắm hàng online và thiết lập các mức phí dịch vụ mà người bán phải trả cho các Sàn, từ đó, dễ dàng kết nối với những nhà bán hàng online đã có kinh nghiệm với chính sách hấp dẫn hơn, trải nghiệm người dùng tốt hơn. Các Bạn cũng thấy, giai đoạn xây dựng thị trường thì các thương hiệu như Tiki, Sendo, Adayroi.. đã tiêu rất nhiều tỷ và..hụt hơi trong cuộc đua giành thị phần. Những “tay chơi” mới như Shoppee, Tiktok và giờ là Temu sẽ là những thế lực mới chiếm lĩnh trận địa TMĐT Việt Nam.
Hạ tầng logistics xuyên biên giới sẵn sàng
Trước đây, công tác vận chuyển xuyên biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam chưa tiện như bây giờ, chưa có hệ thống kho sát biên giới đủ quy mô lớn để tập kết hàng hóa. Luồng hàng TMĐT từ Trung Quốc về Việt Nam cũng chưa có cơ chế thông quan theo tiêu chuẩn hàng TMĐT mà đang “mượn đường” qua quy định thông quan của hàng Chuyển phát nhanh quốc tế, hoặc đi theo đường..”lậu” vốn không bền vững.
Nay đã có sự xuất hiện của mạng lưới logistics hùng hậu của Best, J&T, Ninja Van, SF Express.. thì câu chuyện hàng hóa Trung Quốc chảy vào thị trường Việt Nam quá thuận lợi. Và khi Nghị định về quản lý hải quan với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử được đưa vào triển khai thì con đường của các nhà bán Trung Quốc sẽ trở nên rất thông thoáng.
Những ai cần lưu ý?
Với các nhà sản xuất Việt Nam có sản phẩm..tương đồng với các nhà sản xuất Trung Quốc, con đường cạnh tranh sẽ cam go. Ta phải công nhận người Trung Quốc giỏi trong công tác sản xuất, nhiều mẫu mã, giá hấp dẫn và các nhà sản xuất trong nước phải tính toán lại khách hàng mục tiêu, sản phẩm bán ra, mô hình kinh doanh. Cạnh tranh sẽ giúp chúng ta phải luôn chú ý tự hoàn thiện mình, không ngủ quên trong chiến thắng trên “sân nhà”.
Với người tiêu dùng Việt Nam, chúng ta có nhiều chọn lựa hơn, nhất là với làn sóng “hàng đẹp, giá rẻ, chất lượng khá” từ Trung Quốc. Chẳng ai có quyền yêu cầu các Bạn chỉ mua cái này, không mua cái kia vì Bạn tự quyết định cách dùng tiền của mình. Chỉ mong, khi mua, hãy thử nghĩ về các chọn lựa từ nhà sản xuất nội địa. Cá nhân mình thì ủng hộ quan điểm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Khi dòng chảy hàng hóa lưu thông nhiều và mạnh, đó là cơ hội cho anh em làm nghề Logistics. Mong Anh Chị Em trong cộng đồng NỀN chia sẻ thêm góc nhìn. Xin cảm ơn!
Nguồn tham khảo:
“Cơn lốc” hàng giá rẻ Temu của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam
Sắp có Nghị định về quản lý hải quan với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử
NỀN Logistix | Khiêm Trần Buổi Sáng