Vì sao người trẻ hay nhảy việc? Thư gửi các anh chị HR lớn tuổi

0
11

Nhân bài mới đăng trên VnExpress.net về chủ đề này, mình chia sẻ thêm góc nhìn cá nhân để các Anh Chị HR/Nhà tuyển dụng có cái nhìn công bằng hơn với các bạn TRẺ. Link: https://vnexpress.net/vi-sao-nguoi-tre-hay-nhay-viec-4805908.html

Trước hết, với những Anh Chị chưa biết về Khiêm (tham khảo profile Linked In: https://www.linkedin.com/in/khiemtranbuoisang), mình sẽ tự nhận là mình cũng thuộc nhóm “không làm một chỗ quá hai năm, 6 tháng là đã có ý định đổi việc” và điều đó đã diễn ra suốt 20 năm đi làm của mình. Ngay cả Shark Thái Vân Linh hồi đó cũng comment mình trong chương trình Shark Tank về sự nghi ngờ khi background của mình nhảy việc quá nhiều.

Kết quả ngày nay, mình trải qua hơn 10 công ty, 7 lĩnh vực khác nhau (FMCG, Truyền thông, Ngân hàng, Logistics, Phần mềm, Đào tạo, Thương mại điện tử), đã làm nhiều vai trò nhưng chủ yếu nhất là một người trợ lý cho CEO. Mình tích lũy một túi trải nghiệm đủ để dễ dàng kết nối với rất nhiều người, người chưa quen cũng có thể dốc bầu tâm sự với mình trong 7 nốt nhạc.

Bầu Thắng từng chia sẻ, đại ý là Người giàu có là Người có nhiều Bạn bè tốt. Mình tin rằng Mình đang là một người Giàu có. Và nếu mình là người không có giá trị, có lẽ không ai chọn để tuyển dụng hay hợp tác. Vậy thì, có thật là, “NHẢY VIỆC” là một vấn đề?

1. PHÂN BIỆT CHUYÊN GIA VỚI QUẢN LÝ

Bóc tác công việc ra, ta sẽ thấy có 2 nhóm khá rõ ràng:

a. CHUYÊN GIA (tiếng Anh là Specialist) được hiểu là ngành chuyên môn sâu, ví dụ như Kiến trúc sư, Bác sỹ, Kỹ sư, Nha sỹ, Dược sỹ, Kiểm toán, Tài chính..

b. QUẢN LÝ (tiếng Anh là Generalist) là những người có am hiểu rộng, kết nối được nhiều thông tin để điều phối. Họ không đủ sâu nhưng hiểu được những người chuyên gia nói trên. Quản lý thì đa dạng nghề như Sales, Marketing, HR, Supply Chain, Logistics,..

Khi đó, với các công việc mang tính CHUYÊN GIA thì thâm niên sẽ có nhiều lợi thế vì có sự tĩnh tâm, tập trung, tích lũy được kinh nghiệm. Tuy nhiên, phần lớn công việc không phải CHUYÊN GIA thì lại chỉ cần học nhanh – làm đúng, chẳng cần phát minh ra thứ gì mới mẻ.

Chúng ta hay nghe về “Quy tắc 10,000 giờ” (ám chỉ việc tích lũy đủ thời lượng cần thiết để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể) nhưng ít nghe vế “chỉ mất khoảng 2 tuần để hiểu được ngôn ngữ làm viêc trong một lĩnh vực cụ thể”. Do vậy, các công việc về QUẢN LÝ thì dễ học, làm được nhanh.

Đương nhiên, có sự tích lũy thâm niên thì cũng tốt nhưng không phải là điều tiên quyết. Mình là bằng chứng của việc không học Ngân hàng nhưng vẫn làm được 4 năm trong ngành Ngân hàng, không học CNTT nhưng vẫn làm quản lý ở 3-4 công ty phần mềm khác nhau, không học Marketing nhưng vẫn chém gió ầm ầm – thậm chí còn “gây bão” trên Sharktank Việt Nam nữa.

2. NGHỀ SPECIALIST: TUỔI THỌ NGẮN

Tiếp theo, vì sao các công ty đa quốc gia hàng đầu như Unilever P&G PepsiCo JOBS đều tổ chức tuyển dụng chương trình Management Trainee hàng năm? Vì tính chất của công việc General Management khá ngắn: làm Sales không đạt số thì tự out hoặc bị cho nghỉ, là Logistics mà để mất hàng thì lên đường, là Planning mà để tồn kho quá thì thay ngay,..

Các công ty đều làm Kế hoạch kinh doanh hàng năm, không đạt chỉ tiêu là Ban quản lý sẽ bị thay thế. Thế nên, bản thân các công ty lớn đều phải dự phòng một lực lượng General trẻ – khỏe – máu chiến để dễ dàng bù đắp cho các vị trí cấp Manager – Director nhức đầu nói trên có khả năng bị thay thế rất cao.

Còn nói ở góc độ nhân viên, khi có quy trình làm việc rõ ràng rồi, Bạn có thấy sự gò bó đến ngột ngạt – khó chịu ở các tập đoàn, công ty lớn không? “Đi nhẹ – Nói khẻ – Cười duyên” đã trở thành câu châm ngôn của anh em thế hệ tụi mình để thích nghi, sinh tồn trong môi trường Corporate.

3. ĐÂU AI CHUNG TÌNH ĐƯỢC MÃI?

Ở góc độ là Nhà tuyển dụng, các Anh Chị HR/Lãnh đạo có quyền yêu cầu Nhân sự phải thế này, thế kia, ví dụ: phải cam kết làm tối thiểu 2 năm, phải ngoan, phải cố gắng theo kịp deadline, phải tích cực bình luận về công ty trên mạng xã hội.. Vì các Anh Chị trả tiền, nên các Anh Chị có quyền. Vậy các bạn trẻ cũng có Quyền chọn lựa: không hợp môi trường thì chia tay!

Cho nên, đừng dán nhãn “nhảy việc” hay “GenZ” cho các bạn trẻ. Họ là những con người độc lập, có trí tuệ, có sức trẻ và có quan điểm riêng. Có thể họ khác các Anh Chị về quan điểm nhưng đừng áp đặt rằng suy nghĩ đó là SAI. Các Anh Chị sẽ thấy hãnh diện khi cầm tập hồ sơ ứng viên và ra quyết định chọn ai, bỏ ai, như mua một món hàng, chứ có khi nào các Anh Chị đối diện cảnh Công ty phải Layoff nhân sự và HR phải đứng ra trao đổi với từng nhân viên để chia tay êm đẹp chưa? Đâu ai chung tình được mãi, đúng không nè?

4. TUỔI TRẺ NGÀY NAY KHÁC TUỔI TRẺ 10-20 NĂM TRƯỚC.

10-20 năm trước, sinh viên ra trường cơ bản là nghèo – rất nghèo, nên có việc là rất mừng, là phải cố gắng. Phía sau lưng chúng ta là Cha Mẹ, Anh Em, là gia đình nhỏ, nên đứt dòng tiền một phát là quả bom trách nhiệm nổ ngay, nên dù cuộc sống có vất vả hay bất như ý nơi công sở thì “chín bỏ làm mười”, chúng ta vẫn lướt qua các mâu thuẫn, xung đột để giữ vững công việc, đồng lương, để hậu phương sau lưng chúng ta yên tâm.

Ngày nay thì các bạn trẻ có nhiều may mắn hơn, thuận lợi hơn, ai cũng có xe máy đi lại, bứt quá không có việc làm thì tạm thời chạy xe Grab, mà không có xe máy thì bác Vượng cho mượn xe điện để chạy Xanh SM, lo gì? Sự thuận lợi về xuất phát điểm, cơ hội kiếm tiền làm cho sức đề kháng các bạn trẻ hạ thấp, bức quá ở công sở thì nhấn nút như ta nhấn nút Reset lại máy tính thôi mà, chơi game bị die thì chơi lại, có sao đâu. Các Anh Chị HR lớn lớn mà hay than phiền các bạn trẻ xin hãy nhìn lại chính con cái của mình, xem các Anh Chị có định hướng chuyện con mình có phải làm việc lâu dài, gắn bó với một chỗ không?

5. ANH CHỊ HR CÓ BIẾT TẠO RA MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI TRẺ GẮN BÓ?

Người trẻ ngày nay không quá bám bíu vào chuyện lương thưởng vì thị trường đã hình thành sẵn Khung lương rồi (tham khảo lương, khảo sát lương và được công bố nhan nhãn), Công ty này với công ty kia – cho cùng công việc thì khung lương cũng sẽ không lệch nhau quá 30%. Ví dụ như, nhỏ nhỏ như @APE TECH Solutions tụi mình cũng có chính sách lương thưởng tương đương hoặc hơn so với các Tập đoàn như FPT Software cho cùng năng lực của ứng viên. Nhưng vì sao các bạn trẻ chọn APE TECH Solutions?

Vì mình xác định môi trường làm việc là nơi chúng ta cùng nhau tạo ra trải nghiệm hạnh phúc. Ví dụ: Ăn trưa cùng nhau, hút thuốc cùng nhau trong phòng Sếp, trà sữa cùng nhau mỗi ngày, trao cho nhau nụ cười thân ái, chuyện cười vui vẻ suốt ngày, buông lời đờ mờ thoải mái mà không dung tục, không gây hấn, không phiền hà. Nhân viên mình được mình trực tiếp hướng dẫn trên công việc, trả lời từng câu hỏi – không dấu nghề, không có chuyện “Dạ, bẩm, thưa, trình” gì cả, anh em mình là Cộng sự, cùng nhau tạo dựng giá trị cho khách hàng, rồi khách hàng mới là ông chủ của chúng ta. Tháng nào dòng tiền về chậm thì mình cũng xin lỗi anh em rất rõ ràng về chuyện trễ lương và được sự thông cảm của các Cộng sự. Đấy, Anh Chị HR thử xem, với môi trường vậy thì có bạn trẻ nào muốn rời đi không?

Những luận điểm nói trên có thể không mang tính phổ quát nhưng mình chỉ muốn nói với các nhà tuyển dụng rằng hãy có cách nhìn bao quát, thông cảm cho các bạn trẻ. Không hề có một công thức nào nói rằng “Ứng viên này nhảy việc nhiều là ứng viên không tốt!”. Anh Chị HR không nên phán xét, dán nhãn các bạn Trẻ về chủ đề “nhảy việc” nha. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

NỀN Logistix | Trần Duy Khiêm.