Với góc nhìn cá nhân của mình, Khiêm xin phép chia sẻ một vài ý như sau:
1. Bức tranh luồng giao thương toàn cầu định hình hoạt động logistics
Theo một nghiên cứu của Công ty tư vấn Dream Incubator (trụ sở tại Nhật Bản) – có sự gắn bó ở Việt Nam gần 20 năm qua, bức tranh luồng giao thương toàn cầu được thống kê lại như hình dưới.
Chú thích: Luồng hành lang kinh tế chính kết nối Đông bán cầu và Tây bán cầu bao gồm:
- IMEC = India – Middle East – Europe Corridor
- EWEC = East-West Economic Corridor
- IPEC = India Pacific Economic Corridor
Nhìn vào luồng dịch chuyển thương mại này, ta thấy rõ vai trò chiến lược của khu vực Đông Nam Á đất liền (ASEAN mainland) – được hiểu là khu vực trên đất liền gồm Việt Nam – Lào – Campuchia – Thái Lan – Malaysia và Singapore. (ghi chú: Indonesia và Philippines có địa hình đảo chiếm đa số nên hơi bất lợi trong công tác Logistics và sản xuất).
Tính từ sau giai đoạn Trump 1.0 (2016-2020), các Tập đoàn/Doanh nghiệp đã phải thực hiện chiến lược “China +1” và các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.. là những “ngôi sao sáng” trong khu vực ASEAN về thu hút đầu tư FDI, dịch chuyển dòng hàng hóa Xuất nhập khẩu. Với vị trí quan trọng của khu vực ASEAN mainland, chúng ta có thể thấy đây chính là khu vực kinh tế năng động đầy tiềm năng.
2. India-Indochina Mainland: the next workshop of the world?
Khoảng 15-20 năm trước, Trung Quốc vươn lên trở thành “Công xưởng của Thế giới”. Những tiến bộ vượt bật trong Sản xuất và Logistics đã tạo nên một nền kinh tế hùng mạnh, đứng thứ hai trên thế giới. Tính tới nay, Trung Quốc đã có nhiều chọn lựa hơn và khái niệm “China cheap” đã không còn đúng nữa. Họ tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, năng suất hơn và thuận theo quy luật kinh tế, nhiều hoạt động sản xuất được dịch chuyển sang khu vực ASEAN Mainland.
Ngành Gỗ & Nội thất là một ví dụ để phản ánh rõ nét sự dịch chuyển này.
Nhìn vào đồ thị nói trên, ta có thể thấy sự đổi vai ngoạn mục giữa hàng nội thất Việt Nam ở giai đoạn 2018-2021.
Có thể nói, sự phân bố lại mạng lưới “công xưởng của thế giới” đã – đang và sẽ đem lại cơ hội mới cho cả khu vực, trong đó, Việt Nam là quốc gia nổi bật.
3. Điều kiện cần để trở thành “Công xưởng” cho thế giới?
Công ty Dream Incubator đã nghiên cứu và đưa ra các yếu tố then chốt có liên quan, bao gồm việc phát triển hạ tầng logistics, các khu công nghiệp và đặc biệt là sự tham gia của các khu vực Phi thuế quan.
Nhìn lại hành trình phát triển của Logistics Việt Nam trong hơn 20 năm qua, mình nhận thấy sự thay đổi rất ngoạn mục với những con số ấn tượng:
- Chỉ số LPI cải thiện mạnh mẽ qua từng năm.
- Các hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết làm phẳng hóa hàng rào thuế quan.
- Các dự án hạ tầng giao thông góp phần quan trọng cho việc kết nối luồng hàng hóa: Cụm cảng Lạch Huyện, Cụm cảng Cái Mép Thị Vãi, Sân bay Long Thành, mạng lưới đường cao tốc.
- Lực lượng lao động trẻ và không ngừng học hỏi, đưa năng lực chúng ta tiệm cận với trình độ khu vực ASEAN
- Chính sách và quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, các lãnh đạo doanh nghiệp và sự đồng hành từ các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm Logistics như APETECHS, Smartlog, Abivin, Ceta, TK Solutions, CEH..
- Thích nghi nhanh chóng với xu hướng Green – xanh hóa Logistics
- Chính thức có nghị quyết thí điểm về thành lập khu Phi thuế quan ở Đà Nẵng
Có thể nói, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện hết sức thuận lợi để trở thành một mắt xích quan trọng trong luồng lưu thông hàng hóa trong khu vực và toàn cầu. Một tương lai tươi sáng cho ngành dịch vụ Logistics Việt Nam vẫn còn ở phía trước!
Trân trọng và Yêu thương,
NỀN Logistix | Khiêm Trần Buổi Sáng