Cân bằng cung – cầu nhân lực logistics: đã đến lúc nhìn nhận lại vai trò của các cấp bậc đào tạo

Nếu không có hạt cà phê chất lượng, mọi nỗ lực của các chuyên gia trong việc chế tác ly cà phê hoàn hảo sẽ chỉ như "trưởng giả học làm sang." Nhận định này không chỉ đúng với ngành cà phê mà còn phản ánh thực trạng nhân lực trong ngành Logistics hiện nay: nếu đầu vào chưa phù hợp, mọi nỗ lực đào tạo cũng khó mang lại kết quả mong muốn.

0
539
Đại diện Viện đào tạo Logistics ONEX Training trình bày tại buổi họp kỹ thuật "Chuẩn đầu ra ngành, nghề Logistics trình độ Trung cấp, Cao đẳng".

Nhân lực đang thiếu, nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng?
Logistics là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao tại Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhân lực ngày càng lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những nhân sự “biết việc”. Các báo cáo và truyền thông liên tục đề cập đến tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhưng lại chưa chỉ rõ những vị trí nào đang cần, thiếu những kỹ năng gì và phải đào tạo ra sao, trình độ nào phù hợp. Quan trọng hợn, gần đây sinh viên ngành Logistics mới ra trường cũng phản ánh rằng công việc thực tế không như kỳ vọng khi họ lựa chọn ngành học.

Anh Trần Thanh Tuấn: Trưởng nhóm Nhân sự Công ty TNHH Tiếp Vận & Thương Mại Quốc Tế DELTA (Delta Logistics) trong một workshop do NỀN Logistix tổ chức.

Nguyên nhân gốc rễ: Nhận thức về ngành nghề chưa đầy đủ
Nhìn sâu vào vấn đề, có thể thấy một nguyên nhân quan trọng hơn chính là nhận thức chưa đầy đủ của học sinh và gia đình về ngành Logistics ngay từ đầu. Nhiều vị trí trong ngành không đòi hỏi trình độ đại học nhưng lại rất quan trọng, chẳng hạn như nhân viên điều phối vận tải, khai báo hải quan, nhân viên chứng từ, quản lý kho bãi hay lái xe nâng trong kho hàng chẳng hạn. Những công việc này yêu cầu kỹ năng thực tiễn nhiều hơn là kiến thức hàn lâm.

Tuy nhiên, áp lực xã hội và tâm lý chuộng bằng cấp khiến đa số học sinh có năng lực tốt đều chọn và cố gắng để vào đại học, trong khi các chương trình Trung cấp và Cao đẳng với thời gian đào tạo ngắn hơn, chi phí thấp hơn – nơi đào tạo nguồn nhân lực sát với thực tế nhất – lại gặp khó khăn trong việc tuyển sinh. Hệ quả là:

Hệ thống đào tạo Trung cấp, Cao đẳng thiếu “đầu vào” chất lượng, dẫn đến đầu ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao, nhưng lại không tìm được người phù hợp.
Sinh viên Đại học có kiến thức lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng nghề thực tiễn, khó đáp ứng ngay yêu cầu công việc.

Ông Trần Duy Khiêm, Huấn luyện viên Viện đào tạo Logistics ONEX Training trong một buổi tham quan kho hàng thực tế cùng Sinh viên.

Giải pháp: Định hướng đúng – Đào tạo đúng – Cơ hội đúng
Giải quyết bài toán này không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, doanh nghiệp mà còn liên quan đến cách xã hội nhìn nhận về hệ thống đào tạo và nghề nghiệp.

Thứ nhất, cần định hướng nghề nghiệp thực tế ngay từ bậc phổ thông. Học sinh và Phụ huynh cần hiểu rằng không phải mọi vị trí trong Logistics đều cần bằng Đại học. Thay vào đó, hệ thống giáo dục cần giúp Học sinh xác định ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng cá nhân.

Thứ hai, chương trình đào tạo phải linh hoạt và gắn liền với thực tế doanh nghiệp. Các trường Cao đẳng, Trung cấp và Đại học cần hợp tác với Doanh nghiệp để xây dựng chương trình sát thực tiễn, có thực hành, thực tập và đào tạo theo năng lực.

Thứ ba, cần xây dựng hệ thống liên thông, giữa các bậc đào tạo, giúp sinh viên có thể bắt đầu từ Trung cấp, Cao đẳng và tiếp tục học lên nếu muốn. Điều này giúp họ vừa có kinh nghiệm làm việc sớm, vừa có cơ hội phát triển chuyên môn sâu hơn khi cần thiết.

Đại diện Viện đào tạo Logistics ONEX Training cùng Các Thầy Cô trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và các Chuyên gia Aus4Skill triển khai khoá học “Đào tạo thí điểm Module tuân thủ quy trình an toàn khi làm việc với hàng hoá theo phương pháp CBTA”.

Kết luận
Chỉ khi nhìn nhận lại từ gốc rễ vấn đề, từ định hướng nghề nghiệp đến hệ thống đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế, chúng ta mới có thể tạo ra một thế hệ nhân lực Logistics vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng thực tiễn, đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của ngành.

Để ngành Logistics Việt Nam vươn xa, không chỉ cần những chuyên gia hoạch định chiến lược, mà còn cần một lực lượng nhân sự vững kiến thức, mạnh kỹ năng, sẵn sàng làm việc ngay. Và để đạt được điều đó, đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của từng bậc đào tạo và những cơ hội thực sự trong ngành.

NỀN Logistix | Tuấn Thừa Ân