Cần sự chung tay cùng xây dựng để cải cách kiểm tra chuyên ngành

“Cải cách là cả quá trình thay đổi nhận thức, rất khó khăn, chính vì vậy, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 cần sự chung tay cùng xây dựng để cải cách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, xã hội”.

0
538

Nghị định là cơ sở pháp lý quan trọng triển khai mô hình mới

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tại hội nghị trực tuyến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 12/5/2021.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp; thành viên Tổ biên tập Nghị định thuộc các Bộ và Tổng cục Hải quan và đại diện một số đơn vị hải quan tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngay khi Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành kế hoạch triển khai của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Trong đó, nội dung quan trọng số một là xây dựng nghị định để làm cơ sở pháp lý cho DN, cơ quan quản lý nhà nước triển khai thực hiện theo mô hình mới.

“Mục tiêu của nghị định này nhằm giảm thời gian và chi phí, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi cách thức quản lý hiệu quả hơn bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẽ thông tin”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết đồng thời nhấn mạnh nghị định này liên quan đến nhiều luật, nhiều bộ ngành cũng như các DN xuất nhập khẩu chịu tác động, Bộ Tài chính cũng rất áp lực khi được giao triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 99/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP. Tuy nhiên xu hướng cải cách là tất yếu, đòi hỏi quá trình thay đổi nhận thức, rất khó khăn vì vậy cần sự chung tay cùng xây dựng của các bên có liên quan để cải cách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị các bên tham gia hoàn chỉnh nghị định để trở thành văn bản pháp lý, căn cứ pháp lý để triển khai cải cách kiểm tra chuyên ngành. Khi ban hành vừa phù hợp thực tế, tạo thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng sức cạnh tranh của DN Việt Nam. “Nghị định phải kế thừa được các quy định đã đạt kết tích cực trước đây, cải cách phải tốt hơn, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu đều bày tỏ tinh thần ủng hộ chủ trương cải cách của Chính phủ, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về các nội dung tại dự thảo nghị định.

Nhân rộng các quy định đã triển khai tốt

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ quan điểm ủng hộ nguyên tắc cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thực hiện trên Hệ thống một cửa quốc gia.

Đồng thời việc áp dụng đồng thời 3 phương thức kiểm tra dựa trên quản lý rủi ro cho lĩnh vực kiểm tra chất lượng (bao gồm kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm) là điểm nổi bật của mục tiêu xây dựng nghị định. Bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và tích hợp hệ thống thông quan tự động của Hải quan với Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ giúp giám sát, quản lý rủi ro tốt hơn.

Theo AmCham, quá trình xây dựng dự thảo nghị định ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến để bổ sung thêm các quy định đang được thực hiện rất tốt trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP, như quy định miễn giảm cho nguyên liệu để sản xuất nội bộ, sản xuất hàng xuất khẩu, hay cho phép bổ sung các thay đổi nhỏ.

Tuy nhiên, tiếp tục góp ý hoàn chỉnh dự thảo lần này, đại diện AmCham đề nghị tiếp tục loại trừ thực phẩm khỏi điểm 1 Điều 3 của dự thảo quy định về hàng hóa giống hệt, vì không giống như máy móc – thiết bị, màu sắc của thực phẩm là một yếu tố quyết định đến chất lượng. Do đó, thực phẩm có màu sắc khác nhau không thể được coi là hàng hóa giống hệt.

Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã rất nỗ lực trong việc đề xuất phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, quyết liệt triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý vào dự thảo nghị định triển khai, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng nêu nhiều ý kiến cụ thể về dự thảo. Đặc biệt ban soạn thảo cần đánh giá tác động của nghị định này phải rất rõ ràng. Đồng thời quy định rõ trình tự thủ tục, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ Tài chính với cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai mong các bộ quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng cải cách. Các đơn vị nghiên cứu kỹ Quyết định 38/QĐ-TTg và nội dung Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định đáp ứng mục tiêu của Chính phủ.

Làm rõ một số nội dung thảo luận, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết trong giai đoạn 1, DN vẫn được lựa chọn thực hiện như hiện hành hoặc áp dụng theo mô hình cải cách mới. Bên cạnh đó tổ chức đánh giá sự phù hợp vẫn do các bộ chỉ định, DN được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp đang có. Vai trò quản lý của các bộ đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngày càng phải tăng cường hơn, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn mới được chỉ định và trong suốt quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của các tổ chức này thì các bộ vẫn phải kiểm tra giám sát, như vậy không lãng phí nguồn lực hiện tại.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Hải quan, Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp thu ý kiến đồng thời phối hợp với các bên liên quan (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp) chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh tại tờ trình phải làm rõ sự cần thiết của nghị định và nhiệm vụ Thủ tướng giao tại Quyết định 38/QĐ-TTg, nêu được các nội dung cải cách so với hiện hành; đánh giá tác động của nghị định đến DN, nền kinh tế, cơ quan quản lý; báo cáo các ý kiến còn khác nhau và làm rõ việc tổ chức triển khai như thế nào khi nghị định được thông qua.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, sau cuộc họp này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục họp với các bên có liên quan để hoàn thiện dự thảo, hồ sơ trình Chính phủ.

(Theo Hải quan)