Các ngành, địa phương đồng hành doanh nghiệp
Chia sẻ về sự thay đổi chiến thuật của doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Hương, đại diện Công ty TNHH Nhựa Quốc tế Anh Tú cho biết, do dịch bệnh, cước vận tải biển tăng cao, biến động về chi phí nguyên vật liệu nên đã ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, khiến khách hàng của công ty gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến việc chốt đơn hàng và tìm kiếm khách hàng. Trong bối cảnh đó doanh nghiệp đã chuyển dịch sang hoạt động xuất nhập khẩu qua các trang thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng, ổn định sản xuất, tự tin mở rộng hoạt động.
“Nhờ kênh kinh doanh không biên giới, toàn cầu hóa, doanh nghiệp đã tốt lên, sản phẩm của được lan rộng, có đơn hàng 1 triệu USD mỗi năm, vào được các thị trường khó tính nhất”, bà Hương chia sẻ.
Ông Đào Mạnh Khôi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Thương mại điện tử OSB – Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam cho biết, trên nền tảng Alibaba, lượng khách truy cập của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên trong cả năm 2020 tới 36-46%, cho thấy doanh nghiệp đang tìm đến kênh thương mại điện tử để làm thay đổi hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Không chỉ có sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nhau, để thúc đẩy xuất nhập khẩu, chính quyền nhiều địa phương và các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang đã đặt ra nhiều lo ngại về việc tiêu thụ vải thiều của địa phương. Nhưng UBND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra nhiều kịch bản để tiêu thụ và ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, chính quyền tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử lớn trong nước và nước ngoài… Còn tại Hải Dương, chính quyền tỉnh cũng đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thu mua và xuất khẩu vải, hỗ trợ nâng cấp và chuẩn bị cơ sở đóng gói, chuẩn bị vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và sẵn sàng cho thu mua, sơ chế, đóng gói vải xuất khẩu…
Về thủ tục xuất nhập khẩu, thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa ra một số giải pháp, sáng kiến để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, tại cửa khẩu, lực lượng Hải quan, Biên phòng đã tích cực phối hợp phân luồng, điều tiết các phương tiện chở hàng hóa trên các tuyến đường giao thông để giảm áp lực thông quan hàng hóa cho khu vực cửa khẩu…
Hay tại Quảng Ninh, Tổ Hỗ trợ và cung cấp thông tin xuất nhập khẩu (ISEC) của Hải quan Quảng Ninh đã gửi email tới gần 1.800 lượt doanh nghiệp để cung cấp thông tin văn bản pháp luật mới. Trang fanpage ISEC đã thu hút hơn 8.000 thành viên tiếp cận, nhằm cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan… Các doanh nghiệp đánh giá, sự linh động về hình thức hỗ trợ, làm thủ tục của cơ quan Hải quan đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.
Nói về cơ hội trong xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện có cơ hội nhiều hơn là thách thức. Môi trường kinh doanh, thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu liên tục cải thiện. Về tổng cầu, các thị trường chính của Việt Nam đang phục hồi rất nhanh sau đại dịch như Mỹ, EU, Trung Quốc và sự phục hồi đó đi kèm với nhu cầu gia tăng. Về cung, Việt Nam có lợi thế khi là quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, rủi ro là đứt nguồn cung khi nền kinh tế phụ thuộc nguồn cung bên ngoài để sản xuất được. Hơn nữa, biến thể của virút và dịch bệnh bùng phát khó lường nên chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó.
Cùng xoay chuyển
Để vượt qua những khó khăn còn tồn tại, các doanh nghiệp cần nền tảng để hỗ trợ, kết nối với các cơ quan quản lý. Liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Hệ thống thông tin giữa cơ quan Hải quan và các đơn vị thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành cần được kết nối, đồng bộ hoá và có cơ chế dự phòng khi xảy ra lỗi.
Nói về vấn đề này, đại diện Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, bên cạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên để kịp thời gỡ vướng, Cục sẽ tiếp tục mở rộng ký kết thỏa thuận phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác với cả các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực thi pháp luật hải quan cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan tại địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng rất cần những hỗ trợ về tài chính.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng giám đốc khối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng MSB cho hay, có 4 thách thức mà doanh nghiệp phải đối diện đó là vốn, chi phí, thủ tục, phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.
Về vốn, các ngân hàng đã đưa ra gói giải pháp làm sao doanh nghiệp khi bắt đầu xây dựng phương án thu mua nguyên liệu, có thể dựa trên hợp đồng đầu ra, khoản phải thu…, để nếu không đủ hoặc chưa đủ tài sản đảm bảo vẫn được cấp vốn. Về chi phí, hiện các ngân hàng đều đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn giá rẻ để cho vay doanh nghiệp, hiện cho vay USD chỉ khoảng 3%/năm, còn VND là 6%/năm, tùy đặc thù khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng còn có gói giải pháp về tài trợ thương mại. Về thủ tục, nhiều ngân hàng đã xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong xử lý thủ tục hải quan, thanh toán quốc tế. Về rủi ro tỷ giá, thị trường đang có nhiều công cụ, sản phẩm phái sinh, giao dịch kỳ hạn… giúp doanh nghiệp hạn chế tốt nhất rủi ro.
Đánh giá về các giải pháp nêu trên, theo bà Trần Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Bnew, các ngân hàng không chỉ cung cấp tín dụng ưu đãi mà còn cung cấp các công cụ tài trợ thương mại, bảo lãnh xuất nhập khẩu, từ đó giúp doanh nghiệp vừa có nguồn vốn vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19, vừa có thể nhanh chóng bước chân vào những thị trường mới, giao dịch với đối tác thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, để tiếp cận được các hỗ trợ này, với nhiều doanh nghiệp vẫn không phải là vấn đề dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Song Phương cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tập trung, tạo hành lang ưu tiên các gói hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm bão dịch hiện nay. Đồng thời, bà Phương mong muốn làm sao để doanh nghiệp “đầu tàu” kéo các doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển, cùng thiết lập thành chuỗi giá trị vươn ra thị trường quốc tế.