Làm rõ khái niệm “khai sai so với thực tế” trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan

Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn về việc tháo gỡ vướng phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 128) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan liên quan đến vấn đề “khai sai so với thực tế”.

0
678
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Cục Hải quan Hà Tĩnh) giám sát, kiểm tra hàng NK. Ảnh: H.Nụ

Theo phản ánh, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 128 từ thực tiễn, một số cục hải quan tỉnh, thành phố gặp vướng mắc khi thực hiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 128. Cụ thể, các cục hải quan tỉnh, thành phố thắc mắc trong trường hợp khi kiểm tra chi tiết hồ sơ nhưng trước khi kiểm tra thực tế hàng hóa, DN kê khai sửa đổi về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa, vậy, DN có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định 128?

Ngoài ra, đối với trường hợp chi cục ban hành thông báo dừng hàng qua khu vực giám sát hải quan để kiểm tra thực tế hàng hóa: Sau thời điểm chi cục ban hành thông báo dừng hàng qua khu vực giám sát hải quan nhưng trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa mà DN khai sửa đổi bổ sung thông tin tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Trường hợp này DN có bị xử phạt hay không?

Với vướng mắc nêu trên, các cục hải quan tỉnh, thành phố đề nghị có hướng dẫn, làm rõ khái niệm cụm từ “không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp”. Trường hợp khai sai so với thực tế về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa NK thuộc đối tượng chịu thuế dẫn đến thừa số tiền thuế phải nộp hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu có thuộc quy định dẫn trên không?

Các cục hải quan tỉnh, thành phố nêu ví dụ, DN X NK hàng hóa Y, khai báo số lượng 100 chiếc. Hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, thuế suất thuế NK 5%, GTGT 5%. Số tiền thuế DN nộp là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, hàng hóa NK chỉ có số lượng 50 chiếc, số tiền thuế DN nộp là 10 triệu đồng. Do đó, việc khai sai về lượng của DN X đã dẫn đến thừa số tiền thuế phải nộp. Như vậy DN X có vi phạm quy định về khai sai so với thực tế và lượng hàng hóa NK thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp hay không?

Trước thắc mắc này, theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 12 Điều 4, khoản 2 Điều 10, điểm c khoản 2 Điều 18, Khoản 1 Điều 29 Luật Hải quan quy định người khai hải quan phải có trách nhiệm khai đúng thực tế hàng hóa NK.

Cũng tại Luật Hải quan và quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra và xác định có hay không có vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, các trường hợp khai bổ sung ngoài thời hạn quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, cụm từ “khai sai so với thực tế” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 128 được kế thừa từ Nghị định 127/2013/NĐ-CP (điểm a khoản 2 Điều 7 – vi phạm quy định về khai hải quan) và Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP (khoản 1, 2 Điều 7- vi phạm quy định về khai hải quan). Cụm từ “không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp” là dấu hiệu để phân định hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 với các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, các trường hợp khai sai có ảnh hưởng đến tiền thuế phải nộp (gồm các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; trốn thuế) bị xử phạt theo quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128. Các trường hợp khai sai nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thuộc điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 128, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ quy định trên để có cách hiểu và thực hiện việc xử lý vi phạm phù hợp với quy định và hồ sơ vụ việc cụ thể.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố cho biết, trong quá trình thực hiện quy định tại Nghị định128, một số đơn vị nêu đang gặp khó khăn khi áp dụng các quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 128 và khoản 5 Điều 10 Quyết định số 166/QĐ-TCHQ. Cụ thể tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 128 quy định: “Thực hiện xử phạt theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chỉ áp dụng trong trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 500.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm do cá nhân thực hiện, từ 2.000.000 đồng/tờ khai hải quan đối với vi phạm do tổ chức thực hiện”. Tại khoản 5 Điều 10 Quyết định số 166/QĐ-TCHQ ngày 18/1/2021 quy định: “Cơ sở để xác định số tiền thuế chênh lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128 là số tiền thuế do người nộp thuế kê khai và số tiền thuế phải nộp theo quy định được thể hiện trên quyết định ấn định thuế của người có thẩm quyền hoặc số tiền thuế phải nộp theo quy định”.

Với 2 quy định trên hiện phát sinh nhiều ý kiến. Một là, số tiền thuế chênh lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128 được tính trên tờ khai hải quan (tổng số tiền thuế của các mục hàng tại tờ khai, bao gồm cả mục hàng DN khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và mục hàng DN khai sai dẫn đến thừa thuế phải nộp). Hai là, số tiền thuế chênh lệch đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128 được tính đối với các mục hàng DN khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.

Một số đơn vị nêu ví dụ thực tiễn, DN X NK 2 mục hàng. Mục hàng 1, DN X khai sai về lượng dẫn đến thiếu số thuế phải nộp là 50 triệu đồng và mục hàng 2, DN X khai sai về lượng dẫn đến thừa số thuế phải nộp là 50 triệu.

Một số ý kiến cho rằng, số tiền thuế chênh lệch của tờ khai hải quan là 0 đồng, bởi theo căn cứ khoản 5 Điều 9, không thực hiện xử phạt DN X về hành vi khai sai về lượng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, DN X có hành vi khai sai về lượng dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mục hàng số 1 và xử phạt DN X về hành vi vi phạm này.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng, quy định tại Điều 9 Nghị định 128 (trong đó có khoản 5) được áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu. Các trường hợp khai sai khác (không làm thiếu số tiền thuế phải nộp, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) thì không áp dụng quy định tại Điều 9 Nghị định 128.

(Theo Hải quan)