Càng sửa đổi, sản phẩm kiểm dịch càng tăng
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 10 năm qua (2010-2020), Bộ NN&PTNT đã có 4 thông tư hướng dẫn, quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, gồm: Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT (TT06) ngày 2/2/2010, sau đó được thay thế bởi Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT (TT26) ngày 30/6/2016.
TT26 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (TT36) ngày 25/12/2018 và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT (TT11) ngày 22/10/2019.
Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, các văn bản dưới Luật này lại đang chi tiết hóa theo chiều hướng đa dạng các sản phẩm cần kiểm dịch.
“Song song với các quy định có sẵn, tiến trình thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, càng về sau danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh”, ông Nam nói.
Trong khi những văn bản mang tính kỹ thuật sâu này đang gây tranh cãi vì xu hướng mở rộng đối tượng cần kiểm dịch thì hiện nay, Bộ NN&PTNT lại đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT (TT15).
Đây là thông tư về mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT, trong đó quy định rõ những dòng hàng nào phải kiểm tra nhập khẩu theo kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) hay kiểm tra chất lượng hàng hoá.
Ông Nam cho rằng, công tác kiểm dịch nhập khẩu của ngành thú y với các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến hiện nay thực chất là công tác kiểm tra ATTP. TT15 là danh mục để cơ quan Hải quan có thể đối chiếu, xem xét các giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành để thông quan các lô hàng.
“Nếu ban hành với các danh mục theo hướng đang dự thảo sửa đổi này sẽ khiến hơn 80% số lượng sản phẩm nhập khẩu về để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu đúng ra thuộc danh mục miễn kiểm tra nhập khẩu về ATTP (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP) sẽ phải kiểm dịch 100% khi nhập khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Cục Thú y nói gì?
Xung quanh câu chuyện sửa đổi TT15, trước những quan ngại của VASEP, Cục Thú Y vừa có phản hồi khá chi tiết.
Cục Thú y nêu rõ, các chỉ tiêu mà VASEP cho là chỉ tiêu ATTP là các chỉ tiêu sinh vật như E. Coli, Salmonella và Vibrio cholera… đều là vi sinh vật gây bệnh trên động vật và truyền lây sang người và đều thuộc đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
Các sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu cần được kiểm tra các chỉ tiêu trước hết đối với các sản phẩm chưa qua chế biến để chứng minh không mang mầm bệnh (kiểm dịch).
Đối với các sản phẩm đã chế biến, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) quy định với từng bệnh khác nhau có mức xử lý nhiệt khác nhau và nước xuất khẩu cần chứng minh được quy trình xử lý theo đúng quy định của OIE và được Việt Nam công nhận.
“Tuy nhiên, một loài thủy sản có thể nhiễm nhiều bệnh trong danh mục. Do đó, việc đánh giá các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến đáp ứng các yêu cầu xử lý của từng bệnh rất phức tạp”, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết.
Lãnh đạo Cục Thú y thông tin thêm, nhiều nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam yêu cầu kiểm tra chỉ tiêu bệnh đối với sản phẩm thủy sản, ví dụ như Autralia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Ả Rập Xê-út, các nước Liên minh Á-Âu,… Ngoài ra một số nước khác yêu cầu Việt Nam chứng minh hệ thống kiểm soát dịch bệnh (bao gồm kiểm dịch khi nhập khẩu) để cân nhắc xem xét mở cửa thị trường cho thủy sản Việt Nam.
Cục Thú y được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật theo Luật thú y năm 2015 và các các văn bản dưới Luật, đồng thời kiểm tra ATTP một số mặt hàng theo Luật ATTP năm 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, các hoạt động này hiện nay đang thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành. Một mặt hàng nhập khẩu do một cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện, vừa kiểm dịch vừa kiểm tra ATTP, đáp ứng theo đúng tinh thần tại các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành.
“Các chỉ tiêu kiểm tra trùng lắp giữa kiểm dịch và kiểm tra ATTP chỉ phải làm một lần, thuận tiện và không phát sinh chi phí kiểm tra xét nghiệm cho lô hàng của doanh nghiệp”, ông Long nói.
Bộ NN&PTNT thường xuyên rà soát các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, kiểm tra ATTP) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, thực hiện cắt giảm, thay đổi phương thức kiểm tra theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Hiện nay TT15 vẫn đang trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp để sửa đổi. Chúng tôi rất trân trọng lắng nghe các ý kiến và sẽ có những tiếp thu phù hợp để phối hợp cùng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) ban hành theo hướng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi nội địa và môi trường nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Long nói.