Doanh nghiệp trông đợi mô hình mới

Đổi mới phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ mang lại “cuộc cách mạng” về thủ tục, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, đồng thời cũng không phải tham gia vào quá trình kiểm tra...

0
484
Ảnh tư liệu.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), mục tiêu xuyên suốt trong Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Cụ thể hóa các mục tiêu đó chính là hướng đến cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, các kết quả của cơ quan tổ chức sẽ được chuyển trực tiếp tới cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đồng thời với thực hiện thủ tục hải quan. Qua đó cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.

Đặc biệt, sẽ phải tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan Hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

Đánh giá tác động về kinh tế, theo Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ cho thấy, tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo Mô hình mới so với Mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng Mô hình mới so với Mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).

Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là thông quan nhanh

Theo đại diện Công ty Chuyển phát nhanh DHL, quy định trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong công tác kiểm tra chuyên ngành là bước tiến lớn, sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Bởi vì, trên thực tế hiện nay, doanh nghiệp có địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, được thay mặt chủ hàng làm thủ tục và ngồi chung cùng địa điểm với cơ quan Hải quan nên sẽ rất thuận lợi cho việc đối chiếu, kiểm tra về chuyên ngành.

Ông Mai Xuân Chu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Dũng Việt Nam thường xuyên làm thủ tục nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, thực phẩm chức năng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, nếu việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Mô hình mới sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp khi hệ thống tự động quyết định phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra, các trường hợp miễn kiểm tra. Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Công ty TNHH Yusen Logistics cho rằng, đứng trên góc nhìn của người khai hải quan là doanh nghiệp, quy định mới này nếu thành hiện thực sẽ giúp giải tỏa được nhiều vướng mắc và cắt giảm chi phí tuân thủ. Đơn cử các trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhưng chỉ phục vụ hoạt động nội bộ của doanh nghiệp như: hàng mẫu, hàng hóa phục vụ sửa chữa/tái chế, nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc linh kiện thay thế cho máy móc đang hoạt động tại doanh nghiệp. Việc miễn kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm là phù hợp. Bởi hàng hóa này không được tiêu thụ trên thị trường nội địa hoặc nếu sau này được doanh nghiệp thanh lý vào nội địa thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định như hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, nếu vi phạm thì bị các lực lượng khác như Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành xử lý, không cần thiết phải kiểm soát từ khâu nhập khẩu.

Một ưu việt nữa khu thực hiện theo mô hình mới là các trường hợp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như CE, KC, FDA,… đều được miễn kiểm tra. Đây đều là những tiêu chuẩn cao do các nước phát triển đặt ra và được thừa nhận rộng rãi trên thị trường. Tại các nước này, cơ quan quản lý nhà nước nêu cao vai trò tự giác tuân thủ của doanh nghiệp chứ không kiểm tra theo từng lô hàng, nếu khâu hậu kiểm phát hiện vi phạm chính sách quản lý chất lượng thì bị xử phạt nặng. Mặt khác, nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn này đều công khai thông tin để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thể xác minh một cách dễ dàng. Vì vậy, không cần thiết phải kiểm tra một lần nữa tại khâu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH Thương mại vận tải và Dịch vụ Đức Phát cho rằng, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là thông quan nhanh hàng hóa để giảm thiểu chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, sự thay đổi mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tạo hướng đi mới và doanh nghiệp kỳ vọng tạo bước đột phá mới, giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính.

Có thể thấy, thành quả bước đầu sau hơn một năm nỗ lực triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao đã được ghi nhận. Tuy vậy với những cán bộ làm công tác nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan, nhiệm vụ sẽ còn tiếp diễn và đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn nữa của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để nhanh chóng đưa chính sách vào thực tiễn bằng các quy định, quy trình thủ tục cụ thể, mang lại lợi ích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn hiện cơ sở pháp lý hiện thực hóa 7 mục tiêu cải cách lớn tại đề án này gồm: Giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng và an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai Mô hình mới.

(Theo Hải quan)