Ấn Độ sửa quy định khai báo trước để khuyến khích phát triển sản xuất

Chính phủ Ấn Độ vừa phê duyệt sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế hải quan nhằm khuyến khích nhập khẩu hàng hoá làm tư liệu sản xuất vào nước này. Theo quy định mới sửa đổi được nêu trong văn bản pháp quy về thuế nhập khẩu IGCR 2017, hàng hoá phục vụ sản xuất sẽ được nhập khẩu ngay cả khi nhà nhập khẩu không có cơ sở sản xuất tại chỗ và sẽ có thể được bán lại trong nước khi hết nhu cầu sử dụng với thuế suất ưu đãi tính trên trị giá đã được khấu hao. Một số lĩnh vực như chế tác vàng, trang sức, đá quý và kim loại quý không thuộc diện điều chỉnh của việc điều chỉnh chính sách này.

0
522

Theo quy định mới, các nhà nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi của thuế nhập khẩu nhưng phải thực hiện khai báo trước với cơ quan Hải quan về hàng hoá nhập khẩu cũng như trị giá và số lượng ước tính của hành hoá. Cục Hải quan và Thuế gián thu trung ương Ấn Độ (CBIC) chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể áp dụng việc sửa quy định về thuế suất ưu đãi đối với nhập khẩu hàng hoá, mà cụ thể là cho phép nhà nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi cần thiết khi nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu để sản xuất và cung cấp các dịch vụ trong nước.

Một thay đổi quan trọng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp và thương mại trong nước là hàng hoá nhập khẩu được phép sử dụng để chế biến trên cơ sở “khoán theo sản phẩm”. Việc thiếu quy định về cách tính khoán theo sản phẩm trước đây đã ngăn cản hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước của Ấn Độ, nhất là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (MSME) vốn không đủ khả năng hoàn thành việc sản xuất tại chỗ.

Những thông tin cần thiết về hàng hoá nhập khẩu thuộc diện này được cung cấp cho cơ quan Hải quan, bao gồm tên và địa chỉ cơ sở của nhà nhập khẩu và nhà thầu khoán (nếu có), tính chất và mô tả cách hàng hoá nhập khẩu được sử dụng trong sản xuất hàng hoá tại cơ sở của nhà nhập khẩu hoặc nhà thầu khoán (nếu có), và bản chất của dịch vụ được cung cấp có sử dụng hàng hoá nhập khẩu. Ngoài ra, những thông tin khác như số lượng, trị giá, thông báo miễn giảm, số thuế ước tính phải nộp và cảng nhập khẩu cũng được yêu cầu cung cấp cho cơ quan Hải quan.

Việc khai báo được tiến hành qua email trong khoảng thời gian quy định nhưng không quá thời hạn 1 năm cho mỗi giao dịch. Một ưu đãi khác là hàng hoá được bán lại trên thị trường trong nước tính trên giá trị khấu hao. Đây là điểm mới giúp các nhà nhập khẩu có thể giải quyết được khó khăn trong trường hợp hàng hoá không thể tái xuất sau khi sử dụng. Đại diện CBIC cho biết, việc điều chỉnh quy định nhằm đáp ứng đề nghị của ngành công nghiệp và thương mại trong nước và dựa theo thông lệ quốc tế. Những điều chỉnh mà CBIC đưa ra mới đây nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ, tạo ra môi trường hoạt động bình đẳng hơn với các nhà đầu tư.

Để tránh việc lợi dụng ưu đãi mới này, quy định cũng đưa ra điều kiện để được hưởng ưu đãi liên quan đến thời gian nhập khẩu để sản xuất trong nước là phải trên 6 tháng mới được đưa ra tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất. Nếu không đáp ứng điều kiện trên, nhà nhập khẩu sẽ không được hưởng ưu đãi và còn phải chịu thêm khoản thuế bổ sung như đối với hàng thông thường khác.

(Theo Hải quan)