Tàu “nằm chơi” cũng mất hàng trăm triệu chi phí mỗi tháng
Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình) cho biết, các doanh nghiệp (DN) vận tải biển nội địa đang rất khó khăn bởi hàng hóa và giá cước ngày càng lao dốc trước tác động của dịch Covid-19.
Hiện các mặt hàng như: than, cliker chiều Bắc – Nam không chỉ sản lượng thấp mà giá cước cũng chạm mức đáy thị trường vận tải biển nội địa khi chỉ đạt 150.000 – 155.000 đồng/tấn. Trước đó 2 tháng, giá cước chở hàng xi măng hay clinker vẫn dao động ở mức 170.000 – 180.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, từ Nam ra Bắc, nguồn hàng dồi dào hơn, nhưng giá cước lại “rẻ như bèo”, chỉ từ 80.000 – 90.000 đồng/tấn”, ông Ngọ nói và cho biết, giá cước và lượng hàng giảm sâu, doanh thu của DN cũng lao dốc không phanh, từ khoảng 1 tỷ đồng/chuyến ở thời điểm ổn định, nay chỉ còn khoảng 200 triệu đồng/chuyến.
“Một tàu “nằm chơi” cũng mất chi phí cố định (lương, tiền ăn, bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm cho tàu) bình quân khoảng 240 triệu/tháng. Vì vậy, dù giá cước rẻ, DN vẫn phải tìm kiếm nguồn hàng cho tàu chạy để “giật gấu vá vai”, giảm bớt gánh nặng tài chính”, ông Ngọ than và mong thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải sẽ tiếp tục khuyến khích các DN dịch vụ tại cảng biển xây dựng cơ chế ưu đãi về giá, phí để hỗ trợ chủ tàu.
“Năm 2020, tiếp nhận phản ánh của DN, Cục Hàng hải VN sớm có ý kiến để DN lai dắt tại các khu vực như: Hòn La, Vũng Áng, Nghi Sơn giảm giá tàu lai từ hơn 30 triệu xuống chỉ còn hơn 20 triệu. Cùng đó, chủ tàu nội cũng được giảm 10% phí hoa tiêu trong 3 tháng, giúp chủ tàu tiết giảm được chi phí vận hành tuyến hoạt động.
Chúng tôi mong Cục Hàng hải VN sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu giảm phí tại cảng; tiếp tục có ý kiến để DN lai dắt, hoa tiêu tiếp tục có chính sách ưu đãi để chia sẻ với chủ tàu trong bối cảnh hàng khan hiếm, cước giảm mạnh”, ông Ngọ nói.
Trái ngược với khó khăn của tuyến nội địa, tàu chạy tuyến quốc tế lại đang khá khởi sắc. Ông Bùi Việt Hoài, Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, nếu các đợt dịch trước, nhiều tàu của VIMC phải “lay lắt” hoạt động hoặc nằm bờ thì hiện tại, hơn 70 tàu của Tổng công ty đều dồi dào hàng hóa vận chuyển.
“Giá cước cũng đang ở đà tăng mạnh. Đơn cử, cước mặt hàng clinker đi Trung Quốc cách đây 2 tháng chỉ dao động ở mức 9 – 12 USD/tấn (tùy từng chặng), đến nay đã tăng đến 16 – 17 USD/tấn. Giá thuê tàu dầu tháng trước chỉ 6.000 – 7.000 USD/ngày, hiện cũng nhích dần lên 8.000 – 10.000 USD/ngày”, ông Hoài thông tin.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VIMC, khó khăn nhất với DN vận tải biển Việt Nam có tàu chạy tuyến quốc tế vẫn là vấn đề thay thế thuyền viên. Thời điểm hiện tại, chi phí thay thuyền viên vẫn ở mức cao. Mới đây nhất, một tàu của Tổng công ty Hàng hải về Việt Nam phải mất hơn 1 tỷ đồng, chưa kể tiền nhiên liệu.
Tiếp tục đề xuất giảm giá, phí cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến thị trường vận tải biển, trong suốt thời gian qua, Cục Hàng hải VN căn cứ vào chức năng, thẩm quyền tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ chủ tàu Việt Nam.
Đối với hoạt động vận tải nội địa, Cục Hàng hải VN đã có ý kiến và các công ty hoa tiêu thống nhất giảm 10% giá hoa tiêu trong 3 tháng cho chủ tàu Việt Nam. Sau đó không lâu, các công ty lai dắt cũng thực hiện chính sách ưu đãi về giá tàu lai nhằm hỗ trợ chủ tàu nội địa giảm bớt gánh nặng chi phí vận hành tàu trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, hàng hóa sụt giảm sâu.
“Riêng về thuyền viên, Cục Hàng hải VN đề xuất Bộ GTVT kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh mà không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50-70% mức phí, lệ phí theo quy định.
Đồng thời, có ý kiến với UBND cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho chủ tàu Việt Nam trong việc đưa thuyền viên cách ly thuyền với mức chi phí phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng chi trả của DN.
Cục Hàng hải VN cũng tham mưu Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng ưu tiên tiêm vắc xin cho thuyền viên và sẽ tiếp tục đề xuất chính sách này trong thời gian tới”, ông Giang nói.
Đại diện Phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, hiện, Cục Hàng hải VN đang tập trung xây dựng dự thảo Đề án phát triển vận tải biển Việt Nam. Trong đó, đề cập đến các giải pháp hỗ trợ DN vận tải phục hồi về dài hạn như: Cho phép DN vận tải biển được tiếp cận nguồn vay vốn tín dụng đầu tư tàu biển với lãi suất ưu đãi; Điều chỉnh thuế suất thu nhập đối với DN vận tải biển từ 20% xuống 15% trong thời gian 3 năm.
Đồng thời, miễn, giảm các loại thuế, phí (phí đăng ký trước bạ, thuế VAT,..) khi đóng hoặc mua tàu mới, tàu chuyên dụng để khuyến khích chủ tàu đầu tư phương tiện nâng cao hiệu quả khai thác.
“Theo Thông tư 90/2019 quy định về phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017 của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải, quy định kể từ ngày 1/1/2021, tàu thuyền vận tải container có trọng tải từ 50.000 GT trở lên không được áp dụng mức phí, lệ phí bằng 60% mức phí quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, hàng hóa vận chuyển ra, vào cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải chủ yếu sử dụng các loại tàu cỡ lớn, việc bỏ quy định này sẽ làm tăng chi phí của hãng tàu khi đưa tàu vào cảng.
Để hỗ trợ cho DN vận tải trong thời gian Covid-19, Cục Hàng hải VN đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính điều chỉnh lại một số nội dung trong Thông tư, kéo dài thời gian áp dụng mức phí, lệ phí ưu đãi đối với tàu có trọng tải lớn vào cảng Cái Mép”, vị này thông tin.
Đại diện Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, thời gian qua, các nền kinh tế lớn trên thế giới có sự hồi phục nhanh chóng dẫn đến một số bất ổn trong thị trường logistics như: tình trạng tăng giá cước vận tải, thiếu container rỗng để đóng hàng.
Xác định tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến “dòng chảy” hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, Cục Hàng hải VN sớm phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra việc niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển của 11 hãng tàu biển đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm tạo sự công khai minh bạch trong hoạt động vận tải để bình ổn giá dịch vụ, ngăn chặn nguy cơ hãng tàu “thổi giá” gây bất lợi cho chủ hàng Việt trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.