Tập trung xử lý nợ thuế

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế. Trong đó, rà soát, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu và thực hiện tốt công tác xử lý nợ, phân loại, hoàn thiện các hồ sơ đủ điều kiện xóa nợ.

0
422

Thu hồi và xử lý nợ đạt 246 tỷ đồng

Thống kê từ Cục Thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho thấy, số nợ chuyên thu quá hạn tính đến 30/4/2021 là 5.584,54 tỷ đồng, giảm 66,82 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó, nhóm nợ khó thu là 3.882,44 tỷ đồng, tăng 12,91 tỷ đồng; nhóm nợ chờ xử lý là 82,36 tỷ đồng, giảm 1,97 tỷ đồng; nhóm nợ có khả năng thu là 1.457,12 tỷ đồng, giảm 66,71 tỷ đồng; nhóm nợ phạt vi phạm hành chính là 162,62 tỷ đồng, giảm 11,05 tỷ đồng.

Để giảm nợ thuế xuống mức thấp nhất, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc các đơn vị tích cực thực hiện kế hoạch thu hồi nợ thuế. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu hồi, xử lý nợ thuế và tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác quản lý nợ thuế ở địa phương.

Song song đó tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị, phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới; giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý các khoản nợ có khả năng thu cho từng cục hải quan để đôn đốc và xử lý.

Với những giải pháp tích cực từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã thu hồi và xử lý nợ thuế đạt 246 tỷ đồng.

Phối hợp cưỡng chế

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Thuế XNK thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ phù hợp theo chỉ tiêu được giao; theo dõi từng tháng, quý tình hình thu hồi và xử lý nợ thuế; triển khai và đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 để thực hiện xóa nợ nhằm làm giảm số nợ thuế của toàn ngành.

Đối với các khoản miễn, giảm thuế có điều kiện như: hàng gia công, hàng NK để sản xuất hàng gia công, hàng NK để sản xuất hàng XK cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ thuế mà chủ DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc bỏ về nước (chủ DN là người nước ngoài)… không thu hồi được nợ thuế.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu.

Đặc biệt, theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua có nhiều trường hợp DN nợ thuế quá hạn phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng chưa hiệu quả và phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 125, khoản 1 Điều 135 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Do đó, sau khi đã có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kinh doanh, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương triển khai các bước cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN nợ thuế quá hạn, căn cứ vào khoản 1 Điều 135 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019. Đồng thời, thực hiện việc phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi đăng ký kinh doanh đối với DN nợ thuế.

Cụ thể, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nêu tại Điểm đ khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Trường hợp phòng đăng ký kinh doanh nhận được văn bản đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật, phòng đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng kinh doanh theo trình tự, thủ tục quy định hiện hành…

Đối với các trường hợp nợ thuế, cơ quan Hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế, trong đó có biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK của các DN, tuy nhiên, các DN vẫn chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ thuế cho nhà nước. Để chống thất thu NSNN và thu hồi số thuế nợ đọng từ các DN chây ỳ, cơ quan Hải quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với các nhân nợ thuế, chủ DN, đại diện pháp luật DN-những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

(Theo Hải quan)