Quy định rõ vai trò đầu mối của Hải quan trong kiểm tra chuyên ngành

Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 99/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và Quyết định 38/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, một trong những nguyên tắc xây dựng nghị định là không làm thay đổi mà phải nâng cao chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã được quy định tại các luật.

0
386

Doanh nghiệp chỉ đăng ký kiểm tra trên Cổng thông thông một cửa quốc gia

Nghị định làm cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa các nội dung cải cách tại Đề án, giải quyết những bất cập, vướng mắc hiện nay, cải cách mạnh mẽ công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, góp phần thúc đẩy, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia;

Cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức theo hướng doanh nghiệp chỉ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trên Cổng thông thông một cửa quốc gia.

Các cơ quan chức năng và tổ chức chứng nhận sự phù hợp kiểm tra thông báo trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, kết quả đạt yêu cầu thì hàng hóa được thông quan.

Các cơ quan nhà nước thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật của các đối tượng tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: các cơ quan kiểm tra, cơ quan Hải quan, tổ chức chứng nhận sự phù hợp.

Mục đích của việc cải cách nhằm cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, bãi và thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu;

Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế;

Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan Hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

Quy định rõ vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan

Các quy định được đưa vào nghị định sẽ cụ thể hóa 7 nội dung cải cách của Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Trong đó, quy định rõ vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thể hiện thông qua nhiệm vụ: thu thập, xây dựng cơ sở xử lý dữ liệu, kiểm tra hồ sơ điện tử về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, cơ quan liên quan; xây dựng, quản lý và vận hành Cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo các chức năng, thực hiện yêu cầu theo Mô hình mới.

Đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các Luật: Hải quan; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; An toàn thực phẩm; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Chăn nuôi; Trồng trọt; Thủy sản; Quản lý ngoại thương.

Đặc biệt, không làm thay đổi mà phải nâng cao chức năng quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã được quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các Luật chuyên ngành thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra, đảm bảo minh bạch thông tin đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như truy xuất nguồn gốc, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Đồng thời, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia.

Dự thảo nghị định mới nhất vừa được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan.

Đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội khi triển khai theo mô hình mới, tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Tài chính đã báo cáo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, cụ thể nếu triển khai Đề án sẽ có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cụ thể số liệu đạt được 1 năm thực hiện như sau: cắt giảm được 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) phải kiểm tra (so với số liệu năm 2019); tiết kiệm được: 2.484.038 ngày công; tiết kiệm được hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu đô-la Mỹ); tiết kiệm cho nền kinh tế đến 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu đô la Mỹ). Với những nội dung cải cách được quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định thì dự kiến khi Nghị định đi vào thực tiễn triển khai sẽ có những tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

(Theo Hải quan)