Thép tăng phi mã, thị trường đóng tàu… đóng băng

Thép, tôn tăng đột biến thời gian qua khiến các xưởng đóng mới tàu, phương tiện thủy phải đóng cửa do không có đơn đặt hàng mới…

0
446
Lĩnh vực đóng mới tàu có thể sẽ trầm lắng trong vài năm tới

Giá tôn, thép tăng cao, xưởng đóng tàu không có việc

Những năm trước đây, xưởng đóng phương tiện thủy Đức Chiến ở ven sông Ninh Cơ (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng đóng mới phương tiện thủy gối nhau, công nhân làm không hết việc. Bãi đóng mới với sức chứa 5 – 6 tàu của cơ sở này luôn kín chỗ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chiến, Giám đốc cơ sở này cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay chưa nhận được đơn hàng đóng mới nào, tàu sửa chữa cũng ít nên đành phải cho người lao động nghỉ việc.

“Năm nay, giá vật liệu tôn, thép đóng tàu tăng khoảng 40% khiến giá thành đóng tàu đội rất cao. Chỉ một năm trước, nếu giá đóng tàu sông 3.000 tấn khoảng dưới 15 tỷ đồng, năm nay đội lên 19 – 20 tỷ đồng nên không ái dám đóng mới tàu nữa”, ông Chiến than.

Cũng theo ông Chiến, dịch Covid-19 phức tạp khiến nhiều tàu phải nghỉ chạy nên nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giảm theo.

Nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy khác tại Nam Định cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Giá vật liệu tăng rất cao, nhất là tôn, thép nên dù đã có hợp đồng, các chủ đầu tư đều xin hoãn vô thời hạn nên xưởng gần như ngừng hoạt động”, chủ một cơ sở đóng tàu nói.

Ông Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Công ty đóng tàu Hà Bình, một cơ sở đóng tàu lớn, lâu năm tại Hải Dương cũng cho biết, từ đầu năm đến nay gần như tất cả các cơ sở đóng phương tiện thủy trên địa bàn đều không có tàu đóng mới.

“Nguyên nhân chủ yếu do giá vật liệu tăng cao vọt, khan hàng nên không ai dám đóng. Thời điểm này năm trước, giá tôn chỉ khoảng 12 – 13 nghìn đồng/kg, nhưng bây giờ tăng hơn gấp đôi. Một số đầu mối nhập khẩu cho biết không dám nhập hàng trong thời gian này, vì mỗi lần nhập khẩu phải “ôm” vài nghìn tấn, nếu lỡ thị trường biến động giảm xuống hoặc giá cao không tiêu thụ được sẽ lỗ nặng”, ông Ngọc Anh thông tin và cho biết, đang phải tìm nguồn việc khác để duy trì bộ máy, nhân sự.

Ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng chi nhánh Đăng kiểm Hà Sơn Bình thông tin, địa bàn Hòa Bình, Sơn La cũng không có tàu nào đóng mới. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến tàu chở khách hoạt động thất thường, không có nhu cầu sửa chữa nên các cơ sở đóng tàu đều “đóng băng”.

Chưa biết khi nào phục hồi

Ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, vài năm gần đây, lĩnh vực đóng mới tàu sôi động vì gặp nhiều thuận lợi như giá vật liệu thấp, nhân công rẻ, cơ chế vay vốn tốt và nhất là nguồn hàng ổn định. Các tàu cũng được đóng với trọng tải lớn, phổ biến tàu có trọng tải từ hơn 2.000 tấn trở lên, thay vì chỉ hơn 1.000 tấn như trước, thậm chí lớn hơn để hoạt động các tuyến ven biển.

“Giá vật liệu tăng cao cùng với tác động của dịch Covid-19 khiến từ đầu năm 2021 đến nay hầu như không có phương tiện thủy nào được triển khai thi công đóng mới, các cơ sở đóng tàu ít việc làm, gặp nhiều khó khăn”, ông Hưng nói.

Theo các cơ sở đóng tàu, trong gần chục năm gần đây, lĩnh vực đóng mới phương tiện thủy thường diễn biến theo chu kỳ tăng nóng hoặc nguội lạnh sau vài năm một lần, phụ thuộc vào giá vật liệu và nhu cầu vận tải.

Giai đoạn hiện nay, do cùng lúc có nhiều yếu tố phức tạp như giá vật liệu tăng, dịch Covid-19 và tăng trưởng “nóng”, liên tục của đội tàu trong vài năm gần đây nên khó đoán trước khi nào thị trường mới sôi động trở lại.

“Vật liệu chính, máy móc thiết bị đóng tàu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài và sẽ khó có khả năng giảm về mức giá như năm trước. Tác động của dịch Covid-19 cũng khiến vận tải thủy kém hơn nên lĩnh vực đóng tàu có thể bước vào chu kỳ giảm, có thể mất vài năm nữa mới phục hồi”, ông Ngọc Anh, Giám đốc cơ sở đóng tàu Hà Bình nhận định.

Ông Bùi Huy Vinh, Giám đốc Công ty vận tải thủy Hà Minh cho rằng, đội phương tiện thủy hiện đang thừa so với nhu cầu vận tải, nguồn hàng lại không tăng, cước giảm nên nhu cầu đóng tàu sẽ giảm.

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến vận tải, số lượt chạy giảm 1/3 so với trước. Cước cũng giảm khoảng 20% nên hoạt động chỉ đủ cân đối trả tiền vay ngân hàng. Nếu không có dịch, ít nhất 2 năm nữa mới có thể phục hồi phần nào, còn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì… chưa biết thế nào”, ông Vinh thông tin.

Về đội phương tiện thủy, theo Cục Đăng kiểm VN, 5 năm gần đây, từ sau khi tuyến đường thủy ven biển dành cho tàu VR-SB được mở, mỗi năm cũng có thêm hơn 1.000 tàu chở hàng được đóng mới; giai đoạn 2018 -b2020, số tàu đóng mới năm sau đều nhiều gấp đôi so với năm trước. Hiện, toàn quốc có hơn 304.000 tàu được cấp chứng nhận đăng kiểm, trong đó, năm 2020 có hơn 2.600 tàu đóng mới.

Nhiều cơ sở đóng tàu vướng mắc thủ tục đất đai

Ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, cùng với khó khăn do không có tàu đóng mới, nhiều cơ sở đóng tàu đã hoạt động lâu năm còn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục về đất đai để được cấp chứng nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy.

Chính quyền các địa phương cần quan tâm, có giải pháp tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần ổn định, phát triển công nghiệp đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy.

(Theo Giao thông)