Kiểm tra chuyên ngành vật liệu xây dựng: Quy định không thống nhất đẩy doanh nghiệp vào thế khó

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng đang gặp vướng trong việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành từ quy định của Bộ Xây dựng. Trước bất cập này, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động kiến nghị gỡ vướng cho doanh nghiệp.

0
614
Sắt thép nhập về ở Chi cục Hải quan khu vực 3

Vừa kiểm tra chất lượng, vừa công bố hợp quy

Thực hiện Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 (thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017), Bộ Xây dựng có công văn nêu về vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện QCVN 16:2019/BXD, trong đó có nêu: Về tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng hiện nay chưa có tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm được Bộ Xây dựng thừa nhận…

Ngày 5/3/2021, Bộ Xây dựng có công văn số 741/BXD-KHCN hướng dẫn về trình tự thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước và ra Thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định tại điểm 2c, khoản 3, Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Như vậy, đối với Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 19/2019/TT-BXD được kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thông quan.

Tuy nhiên, theo báo cáo số 03/BC-BXD ngày 14/1/2021 của Bộ Xây dựng gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có nêu: Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BXD về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 28/9/2017, trong đó nêu, “Đã hoàn thành các nhiệm vụ: Sửa nội dung quy định điểm b khoản 5 Điều 7 Thông tư số 10/2017/TT-BXD, không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Hải quan tại cửa khẩu bản đăng ký chứng nhận hợp quy có xác nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy do Bộ Xây dựng chỉ định để thông quan hàng hóa; ban hành đầy đủ mã số HS đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC”.

Ngày 13/2/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 504/BXD-VLXD gửi Bộ Tài chính về việc “Ban hành danh mục hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan” gồm 31 sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng kèm theo mã số HS được nêu tại Bảng 1 Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, mã số QCVN 16:2019/BXD.”

Theo Cục Hải quan TPHCM, báo cáo tại công văn số 03/BC-BXD và công văn số 504/BXD-VLXD là hoàn toàn không phù hợp với quy định kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa nhóm 2 tại Thông tư số 19/2019/TT-BXD và các văn bản hướng dẫn của bộ này. Theo đó, Thông tư số 19/2019/TT-BXD quy định kiểm tra chặt hơn Thông tư 10/2017/TT-BXD (kiểm tra trong thông quan) là đi ngược lại với các chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm kiểm tra chuyên ngành tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm, Nghị quyết 02/NQ-CP.

Về công bố hợp quy hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối với hàng hóa nhập khẩu, sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng (mục 8.1 công văn số 4945/BXD-KHCN ngày 12/10/2020) tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải tiếp tục thực hiện công bố hợp quy và đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố nơi tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kinh doanh. Sau khi xem xét, Sở Xây dựng sẽ ra Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy.

Cục Hải quan TPHCM cho rằng, với quy định nêu trên, đối với 1 lô hàng nhập khẩu, doanh nghiệp phải liên hệ sở xây dựng các tỉnh, thành phố để vừa thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng vừa thực hiện tiếp nhận công bố hợp quy.

Cục Hải quan TPHCM kiến nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính trao đổi với Bộ Xây dựng về nội dung không thống nhất tại công văn 504/BXD-VLXD và Thông tư 19/2019/TT-BXD; Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc sửa đổi Thông tư 19/2019/TT-BXD theo hướng thực hiện việc kiểm tra nhà nước đối với Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhóm 2 như đã hướng dẫn tại Thông tư số 10/2017/TT-BXD trước đây, cụ thể: “Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Hải quan tại cửa khẩu bản đăng ký chứng nhận hợp quy có xác nhận của tổ chức chứng nhận hợp quy do Bộ Xây dựng chỉ định để thông quan hàng hóa”.

Đẩy doanh nghiệp vào thế khó

Thực tế những quy định không thống nhất như trên đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại điểm 8.1 công văn số 4945/BXD-KHCN ngày 12/10/2020: “Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở địa phương tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn quản lý theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.”

Tuy nhiên, hiện nay, theo phản ánh từ doanh nghiệp, chỉ có một số Sở Xây dựng, như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đã triển khai thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu, đó là ra Thông báo kiểm tra nhà nước về chất lượng. Một số đơn vị, như: Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP Hà Nội không thực hiện tiếp nhận đăng ký kiểm tra và Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, nên doanh nghiệp không biết thực hiện ở đâu (!?).

Mặc dù thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu, nhưng Sở Xây dựng TPHCM lại kiến nghị Bộ Xây dựng, đối với các công ty không thuộc địa bàn quản lý, Sở Xây dựng TPHCM không thực hiện tiếp nhận đăng ký kiểm tra và Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Theo Cục Hải quan TPHCM, hiện nay, trên địa bàn TPHCM hàng tháng phát sinh lượng hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng vật liệu xây dựng rất lớn. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 4/2021 phát sinh 40.000 container thuộc 20.000 tờ khai, trong đó 18.000 container của 10.000 tờ khai của các doanh nghiệp nhập khẩu nhưng địa chỉ đăng ký không thuộc địa bàn TPHCM. Điều đó có nghĩa, đối với số doanh nghiệp không có địa chỉ đăng ký trên địa bàn thì Sở Xây dựng TPHCM không tiếp nhận kiểm tra nhà nước về chất lượng, mà yêu cầu các doanh nghiệp này phải về Sở Xây dựng tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, dẫn đến kéo dài thời gian xử lý hồ sơ. Đặc biệt, có những tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra (như Đà Nẵng, Hà Nội), đã đẩy doanh nghiệp vào thế khó, dẫn đến ách tắc hàng hóa nhập khẩu tại các cảng TPHCM.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan và kiến nghị, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các sở xây dựng tỉnh, thành phố nơi có cửa khẩu nhập hàng hóa nhập khẩu là vật liệu xây dựng thuộc nhóm 2 thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng để thuận lợi thông quan hàng hóa vừa đảm bảo công tác quản lý hàng hóa là vật liệu xây dựng lưu thông trên địa bàn.

(Theo Hải quan)