Mất lợi thế cạnh tranh
Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) vừa có văn bản đề xuất HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng chuyển tải đi Campuchia, Hải Phòng.
Visaba cho biết, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố áp dụng đối với các lô hàng XNK, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu. Thời gian áp dụng thu phí từ ngày 1/7/2021.
Tuy nhiên, trên thực tế, hàng quá cảnh, chuyển tải chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chủ yếu chuyển đi bằng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông nên việc hàng quá cảnh, chuyển tải phải đóng thêm phí hạ tầng là không hợp lý.
“Đặc biệt, tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh hiện nay, hàng quá cảnh, chuyển tải đi Campuchia và Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy nhơn, ĐBSCL chiếm tỷ trọng cao.
Nếu tăng chi phí, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh và thất thoát nguồn thu từ dịch vụ xếp dỡ, logistics để vận chuyển hàng hóa đi nước thứ 3, tăng chi phí logistics cho khách hàng khi các hãng tàu có thể sẽ cho hàng chuyển tải đến địa điểm khác hoặc thay đổi phương thức vận chuyển”, Visaba nhận định.
Trước những khó khăn có thể đối diện, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển tải đi Campuchia và các địa phương trong cả nước để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh do tác động kéo dài của dịch Covid-19 theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Nỗi lo phí chồng phí
Trước đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng ký văn bản đề xuất Bộ Tư pháp báo cáo, kiến nghị Chính phủ có ý kiến với TP Hồ Chí Minh xem xét, không thu phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 ít nhất là đến hết 31/12/2021.
Phân tích nguyên nhân, Vasep cho biết, theo phản ánh, hiện các DN đang phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay DN đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.
Đơn cử, trên tuyến đường từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái hiện có tới 7 trạm thu phí BOT. Tổng mức đóng phí qua một trạm khoảng 360.000 đồng/container. Như vậy, một container hàng hóa, DN đã trả phí cầu đường 2,5 triệu đồng/container qua 7 trạm.
Trung bình mỗi năm, một DN thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu 3.000 container phải trả thêm 7.5 tỷ đồng/năm phí BOT. Nếu gánh thêm khoản phí hạ tầng cảng biển, một DN thủy sản quy mô trung bình ở ngoài TP. Hồ Chí Minh sẽ phải chi trả thêm khoảng 5,5 tỷ đồng/năm.
“Đáng nói, hiện nay, hầu hết các DN thủy sản nói riêng, DN ngành hàng xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Nghĩa là DN sẽ phải chịu hai lần phí (một lần cho container nhập khẩu, một lần cho container hàng xuất khẩu).
Do đó, các phí mới như phí hạ tầng cảng biển sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19”, Vasep khẳng định.
Mức thu phí hạ tầng cảng biển TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai từ 1/7/2021:
– Hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu: Container hàng khô: 2,2 triệu đồng/cont 20’, 4,4 triệu đồng/cont 40’; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 50.000 đồng/tấn
– Hàng hóa XNK mở tờ khai ngoài TP .HCM: Container hàng khô: 500.000 đồng/cont 20’, 1,1 triệu đồng/cont 40’; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 30.000 đồng/tấn
– Hàng hóa XNK mở tờ khai tại TP.HCM: Container hàng khô: 250.000 đồng/cont 20’, 500.000 đồng/cont 40’; Hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 15.000 đồng/tấn.