Đầu mối kết nối và chia sẻ
Vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan được thể hiện nổi bật thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để tự động: tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.
Theo Ban soạn thảo, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản cách làm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hiện nay, các tương tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, giữa tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và doanh nghiệp.
Sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội, trong đó sẽ phân định rất rõ ràng, tách bạch và nâng cao vai trò quản lý nhà nước, vai trò xã hội hóa của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong việc quyết định xác nhận hàng hóa có phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, có đảm bảo an toàn hay không. Thủ tục hải quan sẽ gắn với thủ tục kiểm tra chuyên ngành, qua đó hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, hiện nay, tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và các Luật chuyên ngành khác đều có quy định cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra, quản lý đối với từng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành, nhưng thực tế chưa có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm thu thập, cập nhật và chia sẻ dữ liệu để các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể tra cứu sử dụng để phân tích, đánh giá phục vụ công tác quản lý, kiểm tra. Điều này cũng dẫn đến việc không thống nhất về hồ sơ, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm giữa các cơ quan, tổ chức (có nơi thực hiện điện tử, có nơi thủ công; có nơi áp dụng chế độ miễn, giảm, có nơi không). Do đó, việc cơ quan Hải quan giữ vai trò đầu mối đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ hỗ trợ các bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện các Luật về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Cũng theo Ban soạn thảo, với việc cơ quan Hải quan đóng vai trò đầu mối sẽ giúp minh bạch thông tin, rút ngắn thời gian xử lý từng khâu, từng đầu mối. Đặc biệt liên kết chia sẻ thông tin dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm tra; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực do quản lý được toàn bộ thông tin dữ liệu về công tác kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm được thu thập từ 63 tỉnh, thành phố trên mọi phương diện, từ thông tin chi tiết về từng sản phẩm, hàng hóa, số liệu nhập khẩu của tổ chức/cá nhân, kết quả chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra nhà nước, thông tin vi phạm… góp phần định hướng, hoạch định và xây dựng chính sách quản lý kịp thời, chính xác, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc vận hành và ứng dụng triệt để CNTT cũng góp phần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Về phía doanh nghiệp sẽ tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhập khẩu do được đăng ký cơ quan kiểm tra để thực hiện thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (Cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan Hải quan); được lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm mẫu (trong trường hợp hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt phải đánh giá, thử nghiệm, kiểm nghiệm).
Áp dụng triệt để quản lý rủi ro, nhiều trường hợp được miễn kiểm tra
Một điểm cải cách quan trọng được cụ thể hóa tại dự thảo nghị định là mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Dự thảo Nghị định quy định 22 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Nội dung này đã kế thừa đầy đủ các trường hợp miễn kiểm tra quy định tại các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm, đồng thời, bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra đã phát sinh trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hải quan.
Nhờ đó doanh nghiệp cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra do nhiều hàng hóa nhập khẩu được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan. Cơ quan quản lý nhà nước cắt giảm chi phí, ngày công, nguồn lực do không phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc các trường hợp không cần thiết phải kiểm tra, từ đó tập trung nguồn lực vào các mặt hàng có nguy cơ cao, các nhà nhập khẩu có khả năng gian lận.
3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm được áp dụng đồng bộ. Hiện nay Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cụ thể 3 phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đây là một bước cải cách lớn trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm và là lần đầu tiên trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành có áp dụng nguyên tắc đánh giá rủi ro và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Do vậy, kế thừa quy định và thực tiễn tốt nêu trên và để thống nhất trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, dự thảo Nghị định đã mở rộng áp dụng các phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm trong kiểm tra chất lượng. Việc xác định phương thức kiểm tra cũng được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo. Đây cũng chính là bước thể chế hóa cải cách 2, cải cách 4 được nêu tại Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa đã nhập khẩu trước đó để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo. Lợi ích của cải cách này được đánh giá là sẽ cắt giảm số lần phải kiểm tra, số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực, ngày công, thời gian thông quan cho doanh nghiệp, từ đó giúp cắt giảm chi phí xã hội không cần thiết. |