Gần 30 ngày và 40 triệu đồng cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Nhập lô hàng “Máy khoan định hướng ngang” về, doanh nghiệp đã mất gần 1 tháng và chi gần 40 triệu đồng để thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

0
1080
Lô hàng "Máy khoan định hướng ngang" này cần gần 30 ngày để hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Nền Logistix

Nền Logistix đã theo chân nhân viên một công ty logistics đi làm thủ tục cho lô “Máy khoan định hướng ngang” đóng trong 2 cont 40’ và 1 cont 40’ flatrack nhập khẩu về cảng Cát Lái và chứng kiến quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành kéo dài gần 1 tháng, phát sinh gần 40 triệu đồng chi phí các loại.

Theo quy định, mặt hàng này nằm trong danh mục phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành ở Đội Kiểm tra khu vực III (Cục đăng kiểm Việt Nam) và Doanh nghiệp phải có giấy đăng ký đã được cục Đăng kiểm tiếp nhận thì mới được mang hàng về kho bảo quản. Sau khi đăng ký hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Doanh nghiệp chọn địa điểm làm kiểm tra là kho (một trong hai lựa chọn) để đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật, không gian lắp đặt, vận hành và bảo quản hàng hoá.

Tuy nhiên, khi liên hệ với Đội III, cán bộ tiếp nhận nhìn hồ sơ giấy và nghi ngờ hàng hoá thuộc danh sách cấm nhập khẩu (phương tiện có tay lái nghịch). Doanh nghiệp đã giải trình trực tiếp, nộp công văn cam kết và video hướng dẫn về nguyên lý hoạt động chung của dòng máy do nhà sản xuất cung cấp nhưng vẫn không thuyết phục được cán bộ tiếp nhận. Vị này yêu cầu phải có video thể hiện rõ số model của thiết bị đang nhập khẩu.

Cuối cùng, sau 2 ngày thuyết phục, lãnh đạo Đội III đồng ý tiếp nhận nhưng địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá phải là cảng Cát Lái để đảm bảo hàng hoá đúng như khai báo. Đồng thời, Doanh nghiệp phải làm đăng ký lại từ đầu với hồ sơ truyền qua Cổng thông tin một cửa và hồ sơ giấy nộp trực tiếp cho cán bộ tiếp nhận.

Lúc này, chi phí lưu cont và lưu bãi phát sinh thêm cả chục triệu đồng.

Lại thêm 3 ngày chờ đợi, liên lạc, cuối cùng Doanh nghiệp cũng nhận được giấy đăng ký của Cục đăng kiểm để tiến hành kiểm tra tại cảng Cát Lái.

Nhân viên công ty logistics đã nhiều lần đi lại giữa cảng, Đội III… để thực hiện nộp hồ sơ.

Để phục vụ việc kiểm tra, Doanh nghiệp đăng ký chuyển các cont còn lại vào line kiểm hoá. Thương vụ Cát Lái thông báo phải 8 ngày sau mới có thể thực hiện được việc này vì cảng quá tải. Chưa hết, Cảng Cát Lái cũng không có hệ thống thiết bị và công nhân để lắp ráp cho hàng hoá chuyên dụng này. Điều đó có nghĩa, Doanh nghiệp sẽ không thể xuất trình hàng hoá hoàn chỉnh với cán bộ đăng kiểm và trong trường hợp mở hàng tại đây nếu có mất mát hay hư hỏng đều không được bồi thường. Doanh nghiệp cũng phải ký cam kết với Thương vụ về việc không khiếu kiện trong mọi trường hợp.

Hệ quả là đến ngày thực hiện kiểm tra, Doanh nghiệp chưa thể lắp đặt được máy khoan hoàn chỉnh và cán bộ đăng kiểm đã từ chối kiểm tra. Đăng kiểm viên yêu cầu Doanh nghiệp xác nhận việc chưa chuẩn bị hàng hoá và muốn kiểm tra lại thì phải hẹn lịch, lắp xe hoàn chỉnh và vận hành được.

Lúc này, Doanh nghiệp phải “cầu cứu” sự hỗ trợ của lãnh đạo Đội III và cuối cùng được đồng ý cho đưa hàng về kho để giảm chi phí. Tuy nhiên Doanh nghiệp phải đưa thông tin về việc đưa hàng về kho bảo quản, đổi địa điểm kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa và chờ đội trưởng ký duyệt. 

Cuối cùng, sau gần một tháng và phát sinh gần 40 triệu đồng cho các khoản chi phí lưu cont, lưu bãi tại cảng, đi lại giữa Cục đăng kiểm ở Bình Thạnh, cảng Cát Lái (TPHCM), kho doanh nghiệp ở Long An… để thực hiện khâu kiểm tra chuyên ngành, Doanh nghiệp đã có được kết quả kiểm tra cho lô hàng “đúng khai báo”

Từ câu chuyện này, Doanh nghiệp đã rút ra được một số kinh nghiệm nho nhỏ.

Thứ nhất, cần chuẩn bị kỹ càng hồ sơ hàng hoá, có căn cứ chứng minh mặt hàng của mình không nằm trong danh sách cấm nhập khẩu. Trong đó, nhất định phải có thêm video quay đúng model máy nhập khẩu và nguyên lý vận hành máy. Dùng những video tương tự của cùng dòng máy, cùng nhà sản xuất nhưng khác số model vẫn không được chấp nhận (mặc dù trong danh mục hồ sơ trên Cổng thông tin một cửa hoàn toàn không có trường nội dung upload video này).

Thứ hai, cần lắp đặt máy móc hoàn chỉnh và sẵn sàng vận hành khi cán bộ đăng kiểm đến kiểm tra. Nếu có vấn đề thì đăng kiểm viên cũng sẽ không xử ý/giải quyết. Do vậy, cần liên hệ “người có quyền hạn” hơn để xử lý. Cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc đăng kiểm viên có thể hủy lịch kiểm tra khi trời mưa… dù trước đó đã xác nhận làm việc. 

Ngoài ra, cần chuẩn bị kho bãi rộng rãi để phục vụ cho nghiệp vụ của đăng kiểm viên như quay phim, chụp hình…

Nền Logistix | Minh Tú