Quy tắc xuất xứ làm khó doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan từ FTA

Việc kịp thời giải đáp và xử lý các vướng mắc về quy tắc xuất xứ sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan theo các FTA, từ đó nâng cao tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo FTA trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

0
550
Sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp.

Đó là một trong những đề xuất được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại.

Doanh nghiệp cần được gỡ vướng

VCCI cho biết, tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu hiện tương đối thấp và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020). Thậm chí các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn. Tỷ lệ kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan FTA thậm chí còn thấp hơn rất nhiều với một số FTA (từ 1% đến 8% như AIFTA, AJCEP-VJEPA, VCFTA, VKFTA, năm 2018).

VCCI nhận định, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này chủ yếu là do những vẫn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc cần tư vấn về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác. Cùng với đó, một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng.

Ngoài ra, ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công Thương (chủ thể duy nhất ở Việt Nam có đủ chuyên môn để giải thích chính xác và có hiệu lực)

Do vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay Tổ Công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho các doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA.

Ngoài ra, Tổ Công tác cũng sẽ tổng hợp các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ của các FTA, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương để có quyết định điều chỉnh chính thức kịp thời.

Sớm triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ

Tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế chứng nhận xuất xứ hiện đại, đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước. Cơ chế này cho phép loại bỏ thủ tục xin chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp và xã hội. Đây được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất xuất khẩu Việt Nam. VCCI cho biết, ngoại trừ 5-6 doanh nghiệp được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.

Việc bảo lưu chưa thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo FTA được cho là cần thiết để các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam liên quan có đủ thời gian để nâng cao năng lực, làm quen với cơ chế tự chịu trách nhiệm… Cách tiếp cận thận trọng này là phù hợp trong thời gian trước đây, khi chỉ có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ và vì vậy chưa kiểm chứng được tác động thực tế.

Tuy nhiên, từ 2020, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi EU theo GSP đã triển khai tự chứng nhận xuất xứ theo yêu cầu của EU (hệ thống REX). VCCI cho biết, kết quả thực tế cho thấy doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ này và cũng không có bất cập nào lớn, mang tính hệ thống, được nhận diện trong thời gian qua. Như vậy, rõ ràng việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu theo các FTA ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, trong cơ chế mới này, trách nhiệm của doanh nghiệp được nhấn mạnh và yêu cầu cao hơn. Nhưng theo VCCI, ngay cả với cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các thông tin mà doanh nghiệp cung cấp để làm bằng chứng về xuất xứ, cơ quan cấp chứng nhận cũng chỉ xem xét hồ sơ chứng từ do doanh nghiệp cung cấp là chủ yếu.

Do vậy, VCCI đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu để trình Chính phủ quyết định triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong CPTPP sớm hơn thời hạn 2024/2029 mà Việt Nam bảo lưu theo cam kết và triển khai cơ chế tự chứng nhận trong EVFTA, UKVFTA đồng thời với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP.

(Theo Hải quan)