Nghiên cứu kỹ hướng dẫn sử dụng Bảng mã loại hình xuất nhập khẩu để thực hiện thống nhất

Để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung mã loại hình cho phù hợp, đảm bảo phục vụ công tác quản lý hải quan và thuận lợi cho cơ quan Hải quan và người khai hải quan trong quá trình sử dụng, Tổng cục Hải quan đã ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ. Những thay đổi này đòi hòi người khai hải quan và hải quan địa phương cần nghiên cứu kỹ để thực hiện thống nhất. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Hải quan đã phỏng vấn ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

0
579

Tạp chí Hải quan đã phỏng vấn ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Xin ông cho biết sự cần thiết phải ban hành Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu?

Để triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, ngày 1/4/2015, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2765/TCHQ-GSQL ban hành bảng mã loại hình và hướng dẫn sử dụng. Bảng mã này được ban hành căn cứ trên Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38/2015/TT-BTC. Tuy nhiên, đến nay cả hai văn bản nêu trên đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/NĐ-CP. Như vậy, căn cứ pháp lý của bảng mã loại hình năm 2015 đều có sự thay đổi. Bên cạnh đó, tại Thông tư 39/2018/TT-BTC, Phụ lục hướng dẫn sử dụng tờ khai XK, NK giao Tổng cục Hải quan hướng dẫn bảng mã loại hình để phục vụ việc khai báo của doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện công văn 2765/TCHQ-GSQL cũng phát sinh vướng mắc phục vụ công tác thống kê báo cáo, ví dụ cần tách một số mã loại hình để phục vụ cho công tác thống kê, cần bổ sung một số mã loại hình mới, hoặc sửa đổi bổ sung để phục vụ công tác quản lý. Đồng thời thực hiện Luật Thuế XK, thuế NK, cũng như trong các hoạt động giao dịch thương mại quốc tế phát sinh một số loại hình. Ví dụ việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô được quy định chi tiết mã loại hình tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP, các thủ tục hải quan đối với một số loại hình khác như hàng hóa cung ứng cho tàu bay, tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh… Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 1357/QĐ-TCHQ để đảm bảo thực tiễn xuất nhập khẩu và đúng quy định pháp luật.

Sau một thời gian thực hiện Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu mới có phát sinh vướng mắc gì không? Các biện pháp tháo gỡ vướng mắc của Tổng cục Hải quan là gì, thưa ông?

Sau khi Quyết định 1357/QĐ-TCHQ được ban hành và có hiệu lực, Tổng cục Hải quan cũng nhận được một số vướng mắc thông qua các diễn đàn, văn bản của hải quan địa phương và doanh nghiệp. Ví dụ vướng mắc khi sử dụng mã loại hình B11, B13 đối với hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu trong nước và hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nước ngoài thì hiểu thế nào cho đúng; vướng mắc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của doanh nghiệp; vướng mắc các doanh nghiệp nhận gia công sản phẩm xuất khẩu cho các doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của bên đặt gia công, vướng mắc liên quan đến mã loại hình đối với hàng hóa nhập khẩu từ kho ngoại quan của doanh nghiệp chế xuất… Các trường hợp như vậy, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã kịp thời tham mưu Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp và hải quan địa phương thực hiện.

Doanh nghiệp và hải quan địa phương cần lưu ý vấn đề gì để triển khai Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu mới, thưa ông?

Theo Quyết định 1357/QĐ-TCHQ, loại hình xuất khẩu có 16 mã loại hình, trong đó sửa đổi 10 mã, bổ sung một 1 mã hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài; bãi bỏ 1 mã và giữ nguyên 5 mã. Đối với loại hình nhập khẩu có 24 mã loại hình, trong đó sửa đổi 16 mã, bổ sung 2 mã, giữ nguyên 6 mã.

Trong công văn thông báo cho Hải quan địa phương, Tổng cục Hải quan đã thông báo rõ lí do tại sao phải sửa đổi, bổ sung Bảng mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu, do vậy khi triển khai thực hiện Hải quan địa phương và doanh nghiệp có thể tham khảo để hiểu cho thống nhất. Ngoài ra tại Quyết định này có điều khoản chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho các tờ khai hải quan đã đăng ký theo loại hình tương ứng trước ngày Quyết định được ban hành, doanh nghiệp và địa phương lưu ý thực hiện thống nhất. Khoản 1 điều khoản chuyển tiếp có quy định đối với các tờ khai hải quan đã đăng ký theo loại hình tương ứng trước ngày Quyết định 1357 có hiệu lực, nếu có thay đổi mục đích sử dụng thì tiếp tục được thực hiện theo mã loại hình đã hướng dẫn tại công văn 2765/TCHQ-GSQL ngày 1/4/2015.

Đối với các mã loại hình đã được quy định tại Quyết định này nhưng thủ tục hải quan chưa được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính thì chưa thực hiện cho đến khi có quy định cụ thể. Ví dụ hiện nay với hàng hóa từ kho ngoại quan xuất đi nước ngoài tại Thông tư 39/2018/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng hình thức khai báo trên tờ khai vận chuyển độc lập thì tiếp tục thực hiện. Sau khi Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, nếu có thay đổi về mặt thủ tục hải quan thì lúc đó các DN sử dụng theo mã tại bảng mã loại hình mới.

Ngoài ra đối với phần hệ thống CNTT các doanh nghiệp khi thực hiện khai báo, về mã loại hình cần thiết phải liên hệ các công ty cung cấp thiết bị đầu cuối để cập nhật bổ sung mã loại hình mới, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Hải quan)