Hải quan TPHCM đề xuất nhiều giải pháp giảm tải cho Cát Lái

Cục Hải quan TPHCM vừa đề xuất một số giải pháp nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trước tình trạng lượng hàng nằm bãi tại đây tăng cao sau 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội, hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

0
1223
Cảng Cát Lái (TP HCM) tháng 4/2021. Ảnh: Quỳnh Trần (Zing)

Theo thông tin từ Cục Hải quan TPHCM, đơn vị này vừ đề xuất với Tổng cục Hải quan một số giải pháp để cơ quan cấp trên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị quản lý cảng Cát Lái thực hiện nhằm giải phóng hàng tồn bãi.

Cụ thể, đề xuất cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng tồn đọng quá 90 ngày từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng Hiệp Phước để lưu giữ và chờ làm thủ tục. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nên cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thuê các cảng thuộc địa bàn của TPHCM ( cảng SP-ITC, cảng Vict, cảng Lotus, cảng Tân Thuận…) để lưu giữ hàng hóa nhằm giảm tải cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh Covid phức tạp tại khu vực phía nam.

Đặc biệt, Cục Hải quan TPHCM cũng đề xuất cho phép Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng là Cảng Cái Mép để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích là Cảng Cát Lái và doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi đăng ký tờ khai.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Cục Hải quan TP.HCM đã thực hiện thủ tục hải quan 24/7 tại cảng Cát Lái, bảo đảm hàng hoá được làm thủ tục thông quan cả ngày lẫn đêm.

Trước mắt, Cục Hải quan TPHCM cũng đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục.

Trước đó, hôm 26/7, trước tình trạng quá tải của cảng Cát Lái, Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan, đồng thời đề xuất hàng hóa có cảng đích là Cát Lái được vận chuyển về các địa điểm thông quan trung gian trước khi làm thủ tục thông quan, được thực hiện bằng hình thức vận chuyển độc lập hoặc bằng biên bản bàn giao giấy giữa các cục hải quan. 

Tuy nhiên việc triển khai thực hiện có một số vướng mắc khách quan. Theo đó, điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) lại quy định về các trường hợp mở tờ khai vận chuyển kết hợp và trường hợp mở tờ khai vận chuyển độc lập. Do vậy, các địa điểm thông quan trung gian không thể hiện trên vận đơn nên không có cơ sở để vận chuyển hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan từ cảng Cát Lái về các địa điểm trung gian theo đề xuất này.

Cục Hải quan TPHCM cũng nhận được một số kiến nghị của doanh nghiệp để giải quyết tình hình. Chẳng hạn như kiến nghị không điều chỉnh Manifest trong trường hợp hàng hóa chưa mở tờ khai, chưa thông quan về các địa điểm trung gian không có thông tin trên Manifest hay sử dụng biên bản bàn giao giấy để chuyển hàng hóa về các địa điểm trung gian.

Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TPHCM, những kiến nghị này lại không phù hợp với các quy định hiện hành (điều 65, điều 66, điều 67 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018) cũng như sẽ làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan hải quan phải niêm phong hải quan, tăng thủ tục hồ sơ giấy, gây khó khăn cho công tác kiểm soát chống buôn lậu, không đảm bảo công tác giám sát và phát sinh nhiều vướng mắc về quy trình…

Về tình hình tại cảng Cát Lái, theo thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng tồn tại cảng là 106.717 teu (tương đương 106.717 container 20’) chiếm 86% dung lượng bãi. Trong đó, hàng nhập tồn 50.872 teu, chiếm 95% dung lượng thiết kế. Đặc biệt có 6.544 teu hàng tồn trên 90 ngày. Có 30.000 teu hàng xuất, chiếm 76% dung lượng thiết kế. Còn lại là rỗng. 

Dự kiến 2 tuần tới, tổng tồn bãi tăng khoảng 5% lên mức 115.000 teu chiếm khoảng 91% dung lượng thiết kế. Trong đó sản lượng nhập tồn bãi sẽ tăng khoảng 5% lên mức 53.500 teu (chiếm 100% dung lượng thiết kế hàng nhập). Trong khi đó hàng xuất sẽ vẫn duy trì tồn như hiện nay chiếm 76% dung lượng thiết kế.

Nguyên nhân của tình trạng này là nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động sản xuất do không thể thực hiện được “3 tại chỗ” (người lao động làm việc, ăn, nghỉ tại nhà máy) theo quy định của ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…. Việc lưu thông hàng hóa tại cảng Cát Lái giảm mạnh khi số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Tất cả khiến dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.

Hôm 30/7, trong thông báo 2507/TB-TCg, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phát đi thông tin cảng Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng nhập của doanh nghiệp ngừng sản xuất. Nguyên nhân vì nếu lượng hàng này được dỡ xuống thì sẽ lưu lại bãi rất lâu, gây ách tắc bãi, ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng. Cát Lái cũng không tiếp nhận một số mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến dung lượng bãi như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng quá khổ… 

Nền Logistix l Tâm An