Từ vụ quá tải ở Cát Lái, khu vực Cảng Hải Phòng có kịch bản ứng phó thế nào?

Với hàng chục triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm, khu vực cảng Hải Phòng là đầu mối giao thương lớn nhất miền Bắc và có sẵn các kịch bản để đảm bảo không ùn tắc hàng hóa trong thời điểm dịch Covid-19.

0
748
Hoạt động xuất nhập khẩu ở khu vực cảng Hải Phòng chưa xảy ra tình trạng quá tải. Ảnh: T.Bình.

Đảm bảo không ùn tắc

Vấn đề quá tải hàng hóa tại cảng Cát Lái (TPHCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Là địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn thứ hai cả nước (sau TPHCM), cơ quan chức năng ở Hải Phòng có sự chuẩn bị thế nào để khu vực cảng Hải Phòng không xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải?

Sáng 5/8, trao đổi với Tạp chí Hải quan, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nghiêm Quốc Vinh cho biết, trước tình hình ở khu vực cảng Cát Lái, những ngày gần đây, đơn vị tổ chức nhiều cuộc họp với cơ quan chức năng và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng trên địa bàn để có sự chủ động đảm bảo lưu thông hàng hóa trong trường hợp do dịch bệnh việc vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Theo ông Nghiêm Quốc Vinh, với thực tế hoạt động hiện nay việc lưu thông hàng hóa ở khu vực cảng Hải Phòng diễn ra thuận tiện và khó xảy ra tình trạng ùn ứ.

Ông Nghiêm Quốc Vinh phân tích, 2 lý do quan trọng để đưa ra nhận định trên là, thứ nhất, khu vực cảng Hải Phòng là một chuỗi gồm nhiều cảng thuộc sở hữu của một số doanh nghiệp kinh doanh cảng lớn nên trường hợp cảng tiếp nhận chính quá tải sẽ điều tiết đến cảng khác trong hệ thống hoặc các kho, bãi vệ tinh, cảng cạn (ICD) ở khu vực cảng.

Vấn đề thứ hai, các trung tâm sản xuất có hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng tập trung ở nhiều tỉnh, thành (trong khi ở Cát Lái tập trung chủ yếu ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương-PV) như Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Trong khi hoạt động sản xuất ở các địa phương vẫn diễn ra khá ổn định để việc lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường.

Ông Cao Hồng Phong, Giám đốc Cảng Nam Hải Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Gemadept) cho biết, cảng có công suất thiết kế với năng lực thông quan 500.000 teus/năm (1 teu tương đương 1 container 20 feet) và năng lực lưu giữ hàng trên cảng khoảng 12.000 đến 13.000 teus.

“Hiện nay, lưu lượng hàng hóa lưu giữ ở cảng đạt khoảng trên 80% công suất và việc lưu thông diễn ra thuận lợi nên khó có khả năng ùn tắc. Trường hợp tình trạng này xảy ra doanh nghiệp cũng chủ động phương án để đưa hàng về kho, bãi, ICD vệ tinh”, ông Cao Hồng Phòng cho biết thêm.

Theo đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng, doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên địa bàn, cảng lớn nhất về xuất nhập khẩu trong hệ thống là cảng Tân Vũ với năng lực lưu giữ hơn 17.000 teus trên cảng. Hiện nay lượng hàng lưu giữ ở Tân Vũ xấp xỉ công suất thiết kế, tuy nhiên, hàng hóa vẫn lưu thông thuận tiện nên chưa có tình trạng ùn tắc.

“Nếu xảy ra hiện tượng quá tải ở Tân Vũ, chúng tôi sẽ di chuyển hàng đến các cảng trong hệ thống như Chùa Vẽ, Hoàng Diệu, hay các kho, bãi vệ tinh quanh cảng”, đại diện Công ty CP cảng Hải Phòng nói.

Thực tế, ở khu vực cảng Hải Phòng có 4 doanh nghiệp chính hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển là Công ty CP cảng Hải Phòng; Tổng Công ty Tân Cảng; Công ty CP Container Việt Nam (VICONSHIP); Công ty CP Gemadept với việc sở hữu nhiều cảng, kho, bãi trong chuỗi hoạt động, cộng với sự chủ động của các bên liên quan nên khả năng ùn tắc như cảng Cát Lái là khó xảy ra.

Cơ quan Hải quan sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện tối đa

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, đơn vị đang được giao quản lý 46 bến cảng biển, 1 cảng hàng không quốc tế (Cát Bi) và 3 cảng nội địa (ICD). Trong đó, 18 cảng có hàng hóa hỗn hợp (cả hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng nội địa) gồm: 15 bến cảng biển, 1 cảng hàng không, 2 ICD.

Ngoài ra, có 16 cảng chuyên dùng, 6 cảng chỉ có hàng hóa xuất nhập khẩu (không có hàng nội địa), 5 cảng chỉ có hàng nội địa (không có hàng hóa xuất nhập khẩu), 5 cảng không hoạt động.

Trao đổi với Tạp chí Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang cho biết, vấn đề khai thác cảng thuộc trách nhiệm chính của cảng vụ và doanh nghệp kinh doanh cảng. Nhưng với nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn, Cục Hải quan Hải Phòng luôn chủ động và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để việc thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng, không ùn tắc.

Trường hợp lưu lượng hàng hóa quá tải ở cảng, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ kịp thời hướng dẫn phương án thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan khi chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra các cảng khác hay kho, bãi vệ tinh… Nếu vượt thẩm quyền, Cục sẽ kịp thời báo cáo lãnh đạo các cấp tháo gỡ.

(Theo Hải quan)