Hỗ trợ nhanh nhất để thông quan hàng hóa, giải quyết ùn ứ tại cảng Cát Lái

Khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ tốt nhất giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái để có thể tiếp nhận các container hàng ra, vào cảng.

0
711
Tổng cục Hải quan đồng ý với các giải pháp mà Cục Hải quan TPHCM đề xuất để giải phóng hàng cho Cát Lái. Ảnh: Cat Lai Port

Phố hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh

Đó là chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/8, nhằm tổ chức triển khai thực hiện công văn 3847/TCHQ-GSQL về hướng dẫn thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan để giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Trên tinh thần khẩn trương, đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, đơn vị đã tổ chức họp bàn với các đơn vị hải quan có liên quan và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để thực hiện một cách tốt nhất. Các chi cục thành lập tổ công tác do lãnh đạo đơn vị làm tổ trưởng để triển khai công việc. Ở cấp Cục cũng thành lập đầu mối liên lạc. Các đầu mối, tổ công tác nhằm giải quyết công việc, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc nhanh nhất trong việc vận chuyển hàng hóa.

Đề kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hàng ngày Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ báo cáo số lượng hàng được vận chuyển để các đơn vị chủ động bố trí cán bộ phục vụ…

Theo đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, sau cuộc họp triển khai công văn 3847/TCHQ-GSQL với Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, đơn vị đã ban hành chính sách để làm việc với khách hàng.

Bên cạnh đó, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết hiện nay hàng tồn trên 90 ngày tại cảng Cát Lái rất lớn. Việc Tổng cục Hải quan cho phép vận chuyển hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, trường hợp cảng Tân Cảng Hiệp Phước đầy thì doanh nghiệp đề nghị cơ quan Hải quan cho phép di chuyển đến cảng khác thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.

Trong khuôn khổ cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Hải quan TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai cũng tham gia ý kiến vào việc phối hợp, hỗ trợ giải quyết nhanh nhất việc giải tỏa hàng hóa, giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng phối hợp triển khai để trong tuần nay phải thấy rõ sự chuyển biến, giảm số lượng hàng hóa ùn tắc, để cảng Cát Lái có thể tiếp nhận container hàng ra, vào.

Phó Tổng cục trưởng yêu cầu bên cạnh việc thành lập các tổ công tác là chi cục trưởng các chi cục hải quan cần có tổ công tác của Cục kết nối với đầu mối của Tổng cục Hải quan là lãnh đạo Cục Giám sát quan lý về hải quan. Bên cạnh đó, các cục hải quan có liên quan và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng lập tức cung cấp đầu mối về Tổng cục Hải quan để các bên phối hợp giải quyết công việc.

Đảm bảo giám sát hải quan

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cũng đề nghị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phối hợp chặt chẽ, kế hoạch vận chuyển hàng hóa phải được gửi đến Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trước 15 giờ hôm trước và gửi cho hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đến, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phải trả lời trước 17 giờ.

Đề nghị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phải nhanh chóng lên phương án vận chuyển container, có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguyên trạng, đi đúng tuyến đường, thời gian, phải gắn định vị.

Ngoài ra, tại cuộc họp Phó Tổng cục trưởng cũng chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin; xử lý di chuyển hàng tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, riêng những container đang nằm trong các vụ án, vụ việc điều tra giữ nguyên hiện trạng…

Trước đó, ngày 2/8, để tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, TPHCM, Tổng cục Hải quan đã có công văn 3847/TCHQ-GSQL hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đồng ý vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn TPHCM và các cảng cạn/ICD, tuy nhiên phải đảm bảo theo các điều kiện cụ thể.

Về điều kiện hàng hóa được vận chuyển từ cảng Cát Lái đến lưu giữ tại cảng biển khác và các cảng cạn/ICD: Hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định tại Quyết định số 23/2019/QĐ-Tg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; hàng hóa nguyên container (không vận chuyển hàng rời); hàng hóa chưa được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; hàng hóa không có dấu hiệu nghi vấn, vi phạm đang trong diện các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra theo thông báo của cơ quan Hải quan; toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc hàng về cùng một địa điểm lưu giữ hàng hóa.

Hàng hóa được vận chuyển đến cảng biển, cảng cạn/ICD (gọi chung là địa điểm) để lưu giữ, cụ thể:

Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch.

Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần.

Hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.

Về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 51b Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Định kỳ hàng tuần, chi cục hải quan quản lý địa điểm lưu giữ tổng hợp, thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 biết về tình hình hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng tại các địa điểm lưu giữ.

Cục Hải quan TPHCM chủ trì, phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị khác có liên quan quản lý, giám sát chặt chẽ đối với từng lô hàng từ khi bắt đầu vận chuyển đi từ cảng Cát Lái đến khi doanh nghiệp nhập khẩu hoàn thành thủ tục hải quan lấy hàng ra khỏi địa điểm lưu giữ.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp quản lý địa điểm có hàng hóa vận chuyển đến chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, theo dõi, giám sát, báo cáo về tình hình hàng hóa đưa vào, đưa ra, tồn đọng tại các địa điểm lưu giữ cho chi cục hải quan quản lý địa điểm lưu giữ, đồng thời phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp hàng hóa bị thẩm lậu vào nội địa, không làm thủ tục hải quan.

Sau khi hàng hóa vận chuyển đến các địa điểm lưu giữ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chịu trách nhiệm thông báo về vị trí lưu giữ hàng hóa cho hãng tàu đại lý hãng tàu, chủ hàng biết để liên hệ thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa.

Tổng cục Hải quan cho biết, các nội dung hướng dẫn trên áp dụng từ ngày ban hành công văn này (ngày 2/8/2021) đến thời điểm sau 15 ngày kể ngày UBND TPHCM có thông báo tạm dừng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

(Theo Hải quan)