Kênh đào Suez đứng đầu bảng xếp hạng … nhận hối lộ trong ngành hàng hải

0
1101
Không chỉ là một tuyến hải lộ quan trọng hàng đầu trong thương mại quốc tế, kênh đào Suez cũng giữ vị trí hàng đầu ở một hạng mục khác, tham nhũng.

Mạng lưới Chống Tham nhũng Hàng hải (Maritime Anti-Corruption Network, MACN) vừa công bố kết quả sau 10 năm thu thập dữ liệu về thực trạng tham nhũng trong thương mại hàng hải, và bài học kinh nghiệm từ tình trạng này.

Bộ dữ liệu này đã được thu thập trong vòng hơn một thập kỷ qua nền tảng Báo cáo Sự cố Ẩn danh (Anonymous Incident Reporting) của MACN, một hệ thống được thiết kế để cho phép các bên trong ngành hàng hải có thể báo cáo khi họ phải đối mặt với các yêu cầu mang tính tham nhũng tại các cảng/khu vực tàu thuyền hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

Cho đến nay, hệ thống đã ghi nhận có gần 50.000 sự cố được báo cáo tại hơn 1.000 cảng trên 149 quốc gia với Kênh đào Suez đứng đầu trong hàng ngũ những khu vực hàng hải thích “vòi vĩnh” nhất.

Báo cáo cũng ghi nhận khu vực cảng Hải Phòng nằm trong danh mục những khu vực hay “vòi vĩnh” nhất thế giới, với đội ngũ hoa tiêu dẫn tàu (pilot) được ‘điểm danh’.

Báo cáo này – báo cáo đầu tiên về tham nhũng trong ngành hàng hải – cung cấp một cái nhìn sâu sắc về quy mô, loại hình và độ lớn của tham nhũng trong chuỗi cung ứng hàng hải.

Ở khắp các cảng trên thế giới, những đối tượng vòi vĩnh thường đưa ra yêu cầu để nhận được thuốc lá, rượu và tiền mặt.

Theo dữ liệu của MACN, các đối tượng được báo cáo là đòi hối lộ nhiều nhất là chính quyền cảng (20,9%), hoa tiêu (16,5%), hải quan (12,7%) và đại lý cảng (8,2%).

MACN cho biết: “Dù là có nhiều đối tượng khác nhau tham gia vào việc vòi vĩnh các bên trong ngành hàng hải, nhưng hậu quả của việc từ chối nhu cầu được “tặng quà” thì lại không khác nhau là mấy trên phạm vi trên thế giới – tàu bè sẽ bị chậm trễ, điều này hiển nhiên là mang đến các tác động bất lợi”.

Bà Cecilia Müller Torbrand, Giám đốc điều hành MACN, cho biết: “Trong giai đoạn mà chuỗi cung ứng và các ngành kinh tế đang chịu áp lực ngày càng tăng thì tham nhũng đang có tác động thực sự nghiêm trọng đến thương mại và sinh kế – cả trên đất liền và trên biển”.

Bà Cecilia Müller Torbrand, Giám đốc điều hành MACN.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, MACN ghi nhận rằng các tình huống “vòi vĩnh” đã giảm về số lượng, rất có thể là do việc giảm mức độ tương tác giữa các tàu với chính quyền cảng và việc tăng cường áp dụng các hệ thống điện tử để làm thủ tục cho tàu.

MACN đang tích cực cung cấp dữ liệu về sự vụ tham nhũng cho các thành viên của mạng lưới thông qua hồ sơ cho các quốc gia và các cảng, để giúp các thành viên hiểu rõ hơn về rủi ro tham nhũng trên toàn thế giới và chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động của các tàu khi cập cảng làm hàng tại các nước trong mạng lưới.

Martin Krafft, Phó chủ tịch quản lý đội tàu của Fednav, công ty vận tải hàng rời lớn nhất Canada, nhận xét về triển vọng của việc báo cáo tham nhũng trong ngành hàng hải như sau: “Trong một kịch bản lý tưởng, mỗi thuyền viên trên tàu sẽ đều cài đặt một ứng dụng trên điện thoại cho phép họ báo cáo và xem xét dữ liệu trong thời gian thực. Chúng ta sẽ cần xử lý khâu thu thập dữ liệu cũng như các báo cáo, và công nghệ hiện tại hoàn toàn có thể hỗ trợ cho các tác nghiệp này”.

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247