Trung Quốc phong tỏa thành phố Thượng Hải, chuỗi cung ứng thêm căng thẳng

0
1636
Bến cảng Yangshan (Dương Sơn) tại Thành phố Thượng Hải. Cảng Thượng Hải là cảng container lớn nhất thế giới trong những năm qua.

Chủ nhật 27/3 vừa qua, Trung Quốc thông báo thành phố Thượng Hải sẽ tiến hành phong tỏa, bắt đầu từ ngày 28/3, động thái đánh dấu đợt phong tỏa tại thành phố lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid bùng phát từ hơn hai năm trước.

Đối với ngành vận tải biển, tắc nghẽn tại cảng – vốn đã ở mức rất cao – dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, trong khi ở bên ngoài Trung Quốc, các bến cảng ở Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải gồng mình gánh chịu hậu quả lớn hơn nữa khi siêu đô thị này khai thác trở lại ở năng suất bình thường – và sự phong tỏa này lại diễn ra trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải gánh chịu hệ quả từ đợt phong tỏa kéo dài 7 ngày ở Thẩm Quyến (Shenzen) về khu vực phía Nam Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Các nhà chức trách đã quyết định chia toàn thành phố Thượng Hải làm hai phần, sử dụng sông Hoàng Phố (Huangpu) để áp dụng lệnh phong tỏa từng phần. Thành phố đã ghi nhận 2.631 trường hợp không có triệu chứng mới vào thứ Bảy 26/3, chiếm gần 60% tổng số trường hợp không có triệu chứng mới của Trung Quốc vào ngày hôm đó, cộng với 47 trường hợp mới có triệu chứng.

Phố Đông (Pudong), khu vực phía đông của thành phố, sẽ bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 28/3 đến ngày thứ Sáu 1/4 khi Chính quyền tiến hành xét nghiệm (test) trên toàn khu vực, trong khi khu vực phía tây, Puxi, sẽ chịu phong tỏa từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 4.

Giao thông công cộng sẽ phải tạm ngừng, cũng như hoạt động tại hầu hết các nhà máy trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, lực lượng lao động thiết yếu, bao gồm công nhân cảng, sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm ra khỏi nhà.

Bình luận về ảnh hưởng của lệnh phong tỏa đối với lĩnh vực vận chuyển container, chuyên gia Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Vespucci Maritime, cho biết trên LinkedIn: “Nếu việc phong tỏa sẽ được mở rộng và kéo dài, động thái này sẽ khiến cho nhu cầu vận chuyển giảm xuống trong ngắn hạn và tác động khiến cước giao ngay giảm xuống, nhưng sau đó thì mọi việc sẽ đảo chiều, cầu vận chuyển tăng, và cước cũng tăng”.

Chuyên gia Lars Jensen: Một vụ kiện rất thú vị - NỀN Logistix
Chuyên gia Lars Jensen cho rằng cước có thể tăng nếu sự phong tỏa được mở rộng và kéo dài.

Ông Peter Sand, Giám đốc Phân tích tại Xeneta, nhận xét, “Rõ ràng sự phong tỏa này sẽ làm gián đoạn dòng vận chuyển của hàng container, khi các tài xế xe tải phải thực hiện nhiều xét nghiệm Covid để tiếp tục thực hiện công việc của họ. Đồng thời việc đóng cửa các nhà máy trong tuần này sẽ không giúp cải thiện tình hình sản xuất vốn đã trở nên khá tệ trong gần hết tháng 3”.

Profile photo of Peter Sand
Ông Peter Sand cho rằng cước vận tải biển sẽ không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt phong tỏa này và sẽ tiếp tục đà giảm trong thời gian tới.

Dù vậy, ông Peter Sand vẫn dự đoán rằng cước giao ngay có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tuần tới. Vị chuyên gia này nhận định: “Các chủ hàng trên phạm vi toàn cầu sẽ ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng dễ dự báo và đáng tin cậy hơn so với chuỗi cung ứng nhiều trở ngại và cước không ổn định như giai đoạn trước”.

NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247