Campuchia gia nhập cuộc đua xây cảng trung chuyển quốc tế

0
629
Cảng Sihanoukville, cảng nước sâu duy nhất của Campuchia hiện nay.

Ngày 1/5/2023, chính quyền Campuchia đã khởi công xây dựng một bến container mới tại cảng Sihanoukville, với mục tiêu phát triển cảng cửa ngõ này trở thành cảng trung chuyển vào năm 2029.

Tại buổi lễ động thổ được tổ chức tại cảng Sihanoukville, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết việc phát triển cảng sẽ đáp ứng tăng trưởng kinh tế của vương quốc Campuchia cũng như là tăng trưởng thương mại quốc tế.

Thủ tướng Hun Sen tại buổi lễ

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Dự án mở rộng sẽ cho phép các tàu container lớn cập cảng và giảm đáng kể chi phí vận chuyển bằng đường biển cho hàng hóa Campuchia. Dự án cũng sẽ góp phần giúp thu hút các nhà đầu tư và đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của chúng ta.”

Bộ trưởng Bộ Giao thông và Công chính Sun Chanthol cho biết bến cảng mới sẽ được xây dựng theo ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên bao gồm việc xây dựng một bển nhận hàng tổng hợp trên bờ (onshore) và một bến cảng container dài 350 mét, độ sâu trước bến 14,5 mét, có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải đến 60.000 tấn (DWT), hoặc tàu container có sức chở 4.000 TEU. Bộ trưởng Sun Chanthol cho biết giai đoạn 1 của dự án ước tính có tổng vốn đầu tư là 275 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu vào năm 2025 và kết thúc vào năm 2028, và giai đoạn thứ ba sẽ bắt đầu vào năm 2026 và kết thúc vào năm 2029, Chanthol cho biết thêm rằng giai đoạn thứ hai và thứ ba dự kiến ​​sẽ tiêu tốn 698 triệu USD.

Cảng Sihanoukville hiện có công suất 700.000 TEU mỗi năm. Sau khi hoàn thành ba giai đoạn nâng cấp, cảng sẽ sẽ được nâng công suất lên 1,4 triệu TEU/năm vào năm 2026 và 2,58 triệu TEU/năm vào năm 2029.

Cảng Sihanoukville là cảng nước sâu quốc tế duy nhất của Campuchia. Theo báo cáo chính thức, cảng đạt mức tổng doanh thu 86 triệu USD trong năm 2022.

Cảng Sihanoukville vẫn chỉ đang là một cảng cửa ngõ/feeder thuần túy, tương tự như cảng Cái Mép hay cảng TPHCM ở Việt Nam

Hiện nay, hàng xuất khẩu đi các tuyến xa của Campuchia đang đi theo hai hướng, (1) vận chuyển đến các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á qua các tàu feeder rồi tiếp tục chuyển lên tàu mẹ vận chuyển đến cảng đích và (2) vận chuyển bằng sà lan (hoặc đường bộ) qua lãnh thổ Việt Nam đến các cảng có kết nối trực tiếp đi châu Âu và Mỹ như các cảng ở Cái Mép, cảng SP-ITC ở TPHCM và sau đó xếp lên các tàu làm hàng tại đây. Mặc dù là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia, cảng Sihanoukville hiện chưa thể đón các tàu lớn trên 4.000 TEU đến làm hàng.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Xinhuanet