Hàng hóa quá cảnh tại các ICD thực hiện theo phương thức vận tải kết hợp

Nhằm kéo giảm tối đa chi phí logistics cho doanh nghiệp, Công ty TNHH Cảng Phước Long đề nghị được làm thủ tục hải quan cho loại hình hàng hóa quá cảnh tại các ICD theo phương thức vận tải kết hợp đường bộ bằng xe tải container và đường thủy nội địa bằng xà lan.

0
521
Cảng ICD Phước Long. Ảnh: T.H

Kết hợp vận tải để giảm chi phí

Theo Cục Hải quan TPHCM, Công ty TNHH Cảng Phước Long đề nghị được làm thủ tục hải quan cho loại hình hàng hóa quá cảnh tại các ICD của Công ty TNHH Phước Long nhằm kéo giảm tối đa chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Cảng ICD Phước Long có nhu cầu thực hiện các dịch vụ khai thác, xếp dỡ, vận chuyển hàng quá cảnh theo hợp đồng với các hãng tàu, chủ hàng XNK theo các tuyến đường từ cảng Trung chuyển nước sâu tại khu vực Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) về các ICD thuộc cảng Phước Long tại TPHCM, sau đó vận chuyển tiếp đi Campuchia qua các cửa khẩu Mộc Bài –Tây Ninh, Hoa Lư – Bình Phước… và ngược lại theo phương thức vận tải kết hợp đường bộ bằng xe tải container và đường thủy nội địa bằng xà lan.

Theo quy định tại Công văn số 7121/BTC-TCHQ, ngày 1/6/2011 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan tại bến phao, bến thuỷ nội địa và ICD của Công ty TNHH cảng Phước Long: Cho phép cụm công trình bến phao, bến thủy nội địa, ICD của Công ty TNHH cảng Phước Long được hoạt động như một bến cảng biển thuộc cảng biển TPHCM với thời gian thực hiện cho đến khi kết thúc hoạt động của các bến phao, bến thuỷ nội địa.

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại bến phao, bến thủy nội địa và ICD của Công ty TNHH cảng Phước Long được thực hiện như thủ tục hải quan hiện đang thực hiện tại các bến cảng biển thuộc cảng biển TPHCM và do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV – Cục Hải quan TPHCM quản lý

Theo quy định tại Điểm 1 Khoản 19 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh “Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu, đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại Khoản 2 Điều này”.

Hiện nay, định nghĩa về cửa khẩu nhập đầu tiên để áp dụng cho hàng quá cảnh chưa có quy định cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp. Do vậy, Cục Hải quan TPHCM báo cáo vướng mắc và kiến nghị Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, đối với hàng quá cảnh từ các cảng trung chuyển Cái Mép về các ICDs thuộc cảng Phước Long bằng sà lan, sau đó vận chuyển tiếp đi Campuchia qua các cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh, Hoa Lư- Bình Phước … bằng đường bộ.

Ngày 23/11/2020, Tổng cục Hải quan có Công văn số 7413/TCHQ-GSQL về hướng dẫn thủ tục hải quan đối với trường hợp hàng quá cảnh vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến cảng đích ghi trên vận tải đơn trực thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn để tiếp tục vận chuyển đến cửa khẩu xuất. Tuy nhiên, công văn trên chỉ áp dụng cho hàng hóa quá cảnh vận chuyển trong nội bộ hệ thống Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, cho phép Công ty TNHH cảng Phước Long được áp dụng Công văn số 7413/TCHQ-GSQL ngày 23/11/2020 để thực hiện thủ tục đối với hàng quá cảnh từ các cảng trung chuyển Cái Mép về các ICDs thuộc Cảng Phước Long bằng sà lan, sau đó vận chuyển tiếp đi Campuchia qua các cửa khẩu Mộc Bài, Hoa Lư… bằng đường bộ.

Thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh

Tương tự, đối với hàng quá cảnh đi từ Campuchia qua các cửa khẩu Mộc Bài, Hoa Lư… bằng đường bộ đến các ICDs thuộc cảng ICD Phước Long, sau đó vận chuyển bằng sà lan đi Cái Mép, Cục Hải quan TPHCM cho biết, căn cứ theo quy định khoản 5 và khoản 9 Điều 43 Nghị định số 59/2016/NĐ-CP ngày 20/4/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có quy định trách nhiệm của chi cục hải quan quản lý địa điểm hàng quá cảnh thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container có quy định:

Tiếp nhận văn bản đề nghị theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều này và kiểm tra các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không đủ điều kiện quy định, có văn bản thông báo việc không chấp nhận, nêu rõ lý do;

Trường hợp đủ điều kiện quy định, phê duyệt văn bản đề nghị trả lại 01 bản chính cho người khai hải quan, lưu 1 bản sao; Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, niêm phong hãng vận chuyển;

Giám sát hoạt động chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container và thực hiện niêm phong hải quan; Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển theo từng loại hình tương ứng.”

Theo quy định nêu trên thì Chi cục Hải quan nơi giám sát ngoài việc thực hiện quy định điểm a,b,c nêu trên phải thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển theo từng loại hình tương ứng.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, đối với chặng vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ các cửa khẩu tiếp giáp Campuchia đến các ICDs thuộc cảng ICD Phước Long bằng đường bộ: Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh theo quy định tại Khoản 29 Điều 1 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính). Người khai hải quan là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh hàng hóa.

Đối với chặng vận chuyển hàng hóa các cảng ICDs thuộc cảng ICD Phước Long đến các cảng trung chuyển cảng Cái Mép bằng xà lan: Thực hiện thủ tục hải quan theo hình thức vận chuyển độc lập quy định tại khoản 29 Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 51 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính). Người khai hải quan là hãng tàu hoặc người được hãng tàu ủy quyền.

(Theo Hải quan)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây