Vì sao cả trăm đại lý hải quan bị dừng hoạt động?

Tổng cục Hải quan ban hành quyết định 328/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 tạm dừng hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan (Đại lý) đối với 114 đại lý làm thủ tục hải quan trên địa bàn TPHCM. Có tới hơn ¼ số lượng doanh nghiệp Đại lý ở TPHCM bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, vì sao?

0
860
Làm thủ tục tại Cục Hải quan Hà Nội.

Tạm dừng tối đa 6 tháng

Theo ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát Quản lý- Cục Hải quan TPHCM, 114 đại lý bị tạm dừng hoạt động (trên tổng số hơn 400 doanh nghiệp được cấp chứng nhận hoạt động đại lý) theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 12/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 22/2019/TT-BTC ngày 16/4/2019 của Bộ Tài chính.

Theo Cục Hải quan TPHCM, mặc dù Thông tư 12/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của đại lý, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của đại lý theo quy định. Vi phạm phổ biến nhất là tình trạng không thực hiện chế độ báo cáo quý. Tại điểm a khoản 9 Điều 13 Thông tư 12/2015/TT-BTC quy định, Đại lý có trách nhiệm: “Định kỳ vào ngày 5 của tháng đầu quý sau, báo cáo tình hình hoạt động Đại lý theo mẫu gửi cục hải quan tỉnh, thành phố hoặc các thông tin cần thiết khác phục vụ cho hoạt động quản lý hải quan khi được cơ quan Hải quan yêu cầu bằng văn bản”. Thông tư quy định rõ, nếu doanh nghiệp không báo cáo ba lần liên tiếp, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét chấm dứt hoạt động của đại lý.

Theo quyết định của Tổng cục Hải quan, các đại lý bị tạm dừng hoạt động với thời hạn tạm dừng tối đa 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định. Quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định, nếu đại lý làm thủ tục hải quan không khắc phục và có văn bản đề nghị tiếp tục hoạt động, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan theo quy định. Như vậy trong thời gian này, các đại lý cần nhanh chóng khắc phục để tiếp tục được hoạt động.

Doanh nghiệp cần lưu ý những quy định mới

Theo Cục Hải quan TPHCM, với mục tiêu xây dựng môi trường pháp lý thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cung cấp dịch vụ đại lý phát triển, đồng thời rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế phát sinh qua thời gian triển khai thực hiện, ngày 16/4/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2015/TT-BTC. Các doanh nghiệp cần nắm kỹ, để tránh sai sót, vi phạm.

Theo ông Đặng Thái Thiện, một trong những điểm quan trọng tại Thông tư 22 là bổ sung quyền và trách nhiệm của chủ hàng. Theo đó, tại Điều 14 quy định: “Khi phát sinh hợp đồng đại lý, chủ hàng thông báo danh sách đại lý được thay mặt chủ hàng khai và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước khi đại lý thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Việc thông báo danh sách đại lý thay mặt chủ hàng khai và làm thủ tục hải quan nhằm ngăn chặn nguy cơ đại lý lợi dụng thông tin của doanh nghiệp xuất nhập khẩu để làm thủ tục hải quan, nhằm thực hiện hành vi gian lận.

Thông tư 22 cũng quy định rất cụ thể về trách nhiệm của đại lý phải ký hợp đồng đại lý với chủ hàng. Đại lý chỉ được khai và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng sau khi chủ hàng thông báo cho cơ quan Hải quan danh sách đại lý được thay mặt chủ hàng để làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng…

Thời gian tới, Cục Hải quan TPHCM tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề với cộng đồng các doanh nghiệp làm đại lý trên địa bàn thành phố. Trong đó, ngoài việc đưa ra nhiều lưu ý quan trọng, Cục Hải quan TPHCM còn trao đổi mô hình hợp tác Hải quan – đại lý thủ tục hải quan – doanh nghiệp, cũng như triển khai Kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đại lý…

(Theo Hải quan)