Lý do Hòa Phát quyết làm container

Theo các lãnh đạo Hòa Phát, nhà sản xuất thép này đang sở hữu những lợi thế riêng biệt để tham gia thị trường sản xuất container mà tại đó ưu thế về giá sẽ thuộc về Hòa Phát.

0
789
Vỏ container đang hiếm.

Đây là chia sẻ của ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khi tham gia thị trường sản xuất container – một trong những mảng kinh doanh mới được tập đoàn mở rộng đầu tư.

Cụ thể, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết dù nhu cầu về mặt hàng container trên thế giới là rất lớn, nhưng hiện nay trên 90% container sản xuất ra thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó, một năm toàn thế giới sản xuất được khoảng 3 triệu container thì có khoảng 2,7-2,8 triệu chiếc là sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu Hòa Phát tham gia thị trường này, công ty sẽ sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi so với các nhà sản xuất hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt về giá thành sản phẩm.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết hiện nay, nhà sản xuất gang thép này đang sở hữu 2 yếu tố cơ bản nhất để sản xuất container và có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Thứ nhất, để sản xuất container, trên 60-70% giá thành phụ thuộc vào nguyên liệu thép. Và thép để sản xuất container là loại thép đặc biệt, kháng thời tiết, chịu được độ mặn của nước biển. Hiện nay, Hòa Phát đã có nhà máy sản xuất thép HRC này và đã thử nghiệm thành công.

“Sản xuất container rất khó, đơn vị khác không thể làm được, cái khó chủ yếu do là ngành sản xuất đặc thù. Nếu nhập khẩu thép để sản xuất container coi như thua”, ông Long nhấn mạnh.

Lợi thế thứ 2 được lãnh đạo “vua thép” nhắc tới chính là chi phí lao động thấp.

Theo ông Long, hiện thị trường Việt Nam đang đón nhận quá trình dịch chuyển sản xuất lớn từ Trung Quốc, sau khi thu nhập bình quân đầu người quốc gia này vượt mức 10.000 USD/năm.

Trong đó, chi phí lao động Trung Quốc đang tăng rất nhanh, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động chân tay. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới ở mức 3.000 USD/năm, nên chi phí nhân công để sản xuất chắc chắn rẻ hơn Trung Quốc.

“Thu nhập một công nhân hàn của Trung Quốc hiện quy ra tiền Việt khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 15 triệu. Dù năng suất lao động của công nhân Trung Quốc cao hơn nhưng không thể gấp vài lần so với Việt Nam. Vì vậy, đây là một yếu tố rất thuận lợi để container của Hòa Phát cạnh tranh với các nhà sản xuất trên thế giới”, ông Long chia sẻ thêm.

Ngoài ra, chi phí về giá điện hiện tại của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và thế giới.

Trong chiến lược sản xuất container, ông Long cho biết thêm ban lãnh đạo tập đoàn đã đi đàm phán với các đối tác phụ trợ trong ngành để thỏa thuận cung cấp nguyên liệu với chi phí tương đương hoặc thấp hơn các nhà sản xuất khác.

Các yếu tố kể trên giúp container của Hòa Phát sản xuất sẽ mang chi phí thấp hơn, chất lượng tương đương và không ngại cạnh tranh về giá với các hãng trên thế giới.

Ngoài ra, theo đánh giá của Hòa Phát, nhu cầu về container trên thế giới sẽ còn tăng trưởng rất nhanh.

Tuy vậy, ông Long cũng thừa nhận mảng sản xuất này có một số hạn chế, do container là các thùng rỗng nên việc lưu trữ, vận chuyển sẽ tốn rất nhiều diện tích. Tuy nhiên, nếu sản xuất đúng mục tiêu 500.000 container/năm sẽ giúp nhà máy Dung Quất giải quyết được 1 triệu tấn thép đầu ra mỗi năm.

“Trở ngại lớn nhất là sản xuất ra có bán được hay không mà thôi, còn về kỹ năng sản xuất, chi phí, nguyên liệu đầu vào đều là lợi thế của Hòa Phát và các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam”, ông Long khẳng định.

(Theo Zing)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây