Cải cách kiểm tra sau thông quan: Vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa chống gian lận hiệu quả

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác kiểm tra sau thông quan đã triển khai theo hướng cải cách, vừa hạn chế tối đa việc kiểm tra để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo việc nắm bắt, phân tích, đánh giá thông tin để kiểm tra trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

0
739

Chuyển biến về chất

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 31/12/2020, toàn ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) 1.827 cuộc. Trong đó, có 592 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 1.235 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính hơn 1.103 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách số tiền là hơn 1.397 tỷ đồng.

Thực hiện công tác KTSTQ trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, giữa tháng 4/2020 Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn 2466/TCHQ-KTSTQ chỉ đạo các đơn vị thực hiện Chỉ thị 02/CT-BTC trong công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành Hải quan. Theo đó, cơ quan hải quan tạm dừng các cuộc KTSTQ đánh giá tuân thủ năm 2020, chỉ tiến hành KTSTQ khi có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm rõ ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), đồng thời vẫn đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan, không để tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách để vi phạm pháp luật.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương trên, KTSTQ chú trọng đến công tác thu thập, đánh giá thông tin; nâng cao chất lượng các cuộc KTSTQ, cải cách công tác đối thoại với DN để tạo sự đồng thuận của DN trong việc chấp hành các chính sách pháp luật.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan định hướng công tác KTSTQ được thực hiện có kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm, tránh kiểm tra tràn lan, kém hiệu quả. Xây dựng được kế hoạch định hướng KTSTQ theo thời hạn 1 năm, theo yêu cầu quản lý trọng tâm của ngành trong từng giai đoạn hoặc kiểm soát những đối tượng rủi ro cao vi phạm pháp luật phát sinh trong từng thời kỳ.

Cùng với đó, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn hoạt động KTSTQ toàn quốc, ngành Hải quan đã hoàn thiện nâng cấp hệ thống STQ01 – chương trình dành riêng cho lực lượng KTSTQ trên toàn quốc để khai thác và xử lý thông tin các cuộc kiểm tra, đánh giá rủi ro và tính tuân thủ của DN, từ đó tổ chức tập huấn chạy thử phần mềm cho các cục hải quan tỉnh, thành phố…

Một kết quả nổi bật khác của công tác KTSTQ nói chung và Cục KTSTQ nói riêng trong thời gian qua là làm tốt vai trò chủ công trong đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Thông qua kết quả kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm, truy thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Như vậy, kết quả của công tác KTSTQ cho thấy, lực lượng KTSTQ vừa thực hiện chủ trương chung về hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Xây dựng kế hoạch theo 4 lĩnh vực lớn

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, công tác KTSTQ trong năm 2020 vẫn còn hạn chế do dịch Covid-19 kéo dài nên tiến độ triển khai các đoàn kiểm tra đã được phê duyệt theo kế hoạch năm bị chậm. Nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xin hoãn, miễn kiểm tra.

Để nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ trong năm 2021, Cục trưởng Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc cho biết, lực lượng KTSTQ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 7180 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác KTSTQ trong toàn quốc.

Công tác KTSTQ tập trung xây dựng kế hoạch định hướng theo 4 lĩnh vực lớn: Kiểm tra mã số đối với các mặt hàng rủi ro cao; kiểm tra về trị giá đối với các mặt hàng có giá trị lớn như khoáng sản, hàng tiêu dùng; kiểm tra về chính sách thương mại bao gồm hàng miễn thuế và 17 hiệp định thương mại tự do; đổi mới công tác KTSTQ đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu và chế biến.

Không những vậy, lực lượng KTSTQ tập trung triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Song song đó, sửa đổi quy trình KTSTQ theo hướng cải cách, điều chỉnh những nội dung không phù hợp, cắt bỏ những nội dung rườm rà, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; sơ đồ hóa, lượng hóa và chỉ rõ mục đích của từng bước thực hiện.

Ngoài ra, cơ quan hải quan sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, trao đổi nghiệp vụ KTSTQ toàn quốc; triển khai có hiệu quả công tác đào tạo, tự đào tạo về nghiệp vụ KTSTQ, nghiệp vụ xác minh, điều tra, khởi tố hình sự và các lĩnh vực có liên quan, hướng đến mục tiêu xây dựng lực lượng KTSTQ cải cách, kỷ cương, văn minh, chuyên nghiệp…

Cả nước có 70 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã có quyết định giao kế hoạch kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp ưu tiên năm 2021 cho Cục Kiểm tra sau thông quan đối với 18 doanh nghiệp ưu tiên (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).  Hiện cả nước có 70 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, trong đó có 48 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàn Quốc, Nhật Bản… là những quốc gia có nhiều doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam.

(Theo Thời báo Tài chính)