Cơn ‘ác mộng’ kéo dài của vận tải biển toàn cầu (P1)

Đối với ngành vận tải biển toàn cầu, sự hỗn loạn bắt đầu khi một triệu người mua đồng loạt ấn nút “Buy now” (Mua ngay).

0
445
Số lượng tàu chở container nhàn rỗi ở ngoài khơi California đạt kỷ lục vào đầu năm 2021. Ảnh: Getty Images.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, người Mỹ, vì mắc kẹt ở nhà do đại dịch Covid-19 bùng phát, bắt đầu mua sắm đủ thứ, từ chăn gối, giày Crocs, áo hoody tới bàn làm việc, với tốc độ không ngừng nghỉ. Một nhà sản xuất giấy vệ sinh ghi nhận doanh số bán hàng tăng 600% trong vòng 2 tuần. Một nhà bán lẻ khác cũng bán hết sạch số thức ăn cho chim dự trữ cho một năm trong vòng 2 tháng. Quần legging tập yoga, máy đánh sữa, nồi chiên không dầu và máy cắt cỏ đều được chất đầy trong container ở các cảng tại châu Á.

Lùi về đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người ta có thể thấy hàng loạt tàu chở hàng nằm neo ở ngoài khơi bờ biển Singapore. Tuy nhiên, đến mùa thu cùng năm, chúng không còn nhàn rỗi nữa. Các tàu chở container khởi động và chạy khắp Thái Bình Dương, tấp nập vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi đến nỗi gây tắc nghẽn giao thông ở Vịnh San Pedro của California, Mỹ. Vào tháng 1 năm nay, có đến 30 tàu chở hàng neo đậu ngoài khơi cảng Los Angeles và Long Beach để chờ cập bến.

Cuộc khủng hoảng của thủy thủ

2021 trở thành một năm mệt mỏi và khó lường đối với những thuyền viên như Daniel Balaod, 24 tuổi. Là một sinh viên kỹ thuật đến từ Philippines, Balaod phải trên một con tàu chở container 11 tháng cho đến tháng 12/2020 mà chưa thể đặt chân lên đất liền. Trong suốt hành trình xuyên Thái Bình Dương, việc các quốc gia áp dụng quy định hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 khiến thủy thủ đoàn của Balaod không thể xuống tàu ở tất cả cảng biển, từ Busan tới Auckland, thậm chí còn bị cấm đặt chân lên đất liền.

Toàn bộ quãng thời gian đó, Balaod khao khát được đi bộ trên mặt đất để giải tỏa căng thẳng, anh nói. Thay vào đó, anh liên tiếp phải chịu những đợt say sóng và bị mất ngủ triền miên.

1,6 triệu thuyền viên, bao gồm cả nam và nữ, làm việc trên 50.000 tàu chở hàng thương mại trên tàn thế giới vô tình đang bị đại dịch Covid-19 đẩy vào tình trạng hỗn loạn. Cuộc khủng hoảng của họ diễn ra gần như vô hình, dù là ở ngoài biển hay trên tàu. Số lượng thuyền viên đủ lớn để có thể hình thành nên một thành phố dù thành phố đó không thể áp dụng quy định giãn cách xã hội và cũng không có lối thoát.

Trong năm qua, số ca nhiễm và tử vong vì Coivd-19 trên các chuyến tàu chở hàng là bí mật mà các công ty vận tải biển không bắt buộc phải tiết lộ. Tuy nhiên, những ổ dịch đầu tiên được phát hiện trên các chuyến tàu du lịch như Diamond Princess (với 700 người nhanh chóng bị nhiễm bệnh) lại đưa ra một lời cảnh báo nguy hiểm.

Đối với thủy thủ đoàn của các chuyến tàu, cũng như với hàng triệu người khác, cái giá của sự an toàn chính là sự buồn chán và cô lập. Tuy nhiên, thay vì được lười biếng nằm ở nhà, họ bị mắc kẹt vĩnh viễn ở nơi làm việc. Họ dành cả ngày để đi lại trên con tàu, xung quanh không có gì ngoài kim loại và đại dương mênh mông.

“Ở trên tàu, 24 giờ mỗi ngày, bạn chỉ có thể nghĩ về công việc”, Balaod nói. Các thuyền viên cảm thấy họ đã bị thế giới lãng quên, nhu cầu của họ bị các chính phủ không ưu tiên và sự hy sinh của họ không được người tiêu dùng thấy rõ. Hầu hết thuyền viên đến từ những quốc gia mà vaccine chưa được phổ biến rộng rãi, như Ấn Độ, Philippines và Myanmar. Và thực tế là, cũng không rõ bằng cách nào và khi nào họ mới được tiêm chủng.

Sự bùng nổ của thị trường vận tải hàng hóa khiến các thủy thủ đoàn cạn kiệt sức lực. Tuy nhiên, nhiều người đến từ các nước nghèo hơn vẫn vui mừng vì họ có một công việc ổn định và có tiền để gửi về nhà cho gia đình.

“Chúng tôi là những người đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Đó là một trong những điều giúp bạn tiếp tục làm việc. Và vì chúng tôi cũng chẳng thể làm được gì hơn”, Balaod chia sẻ.

Đúng vậy, thuyền viên đang là những người duy trì ngành vận tải biển toàn cầu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Nếu không có hoạt động vận tải hàng hóa, nhiều sản phẩm, từ thiết bị y tế tới hàng hóa bán lẻ dùng để cứu sống hàng triệu người đang bị cô lập, sẽ không bao giờ được sản xuất, đừng nói là có thể đến tay người tiêu dùng thế giới.

Nỗi khổ mắc kẹt trên tàu

Ngành vận tải đường biển từ lâu vẫn được xem là “vật trung gian” của các bệnh truyền nhiễm. Từ “cách ly” bắt nguồn từ Venice vào thế kỷ thứ 17, dùng để chỉ việc các thủy thủ trên tàu thương mại bị ốm phải ở trên tàu 40 ngày nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào các thành phố cảng.

Ngày nay, các quy định về cách ly thậm chí khắt khe hơn với các thuyền viên. Việc cấm thuyền viên rời tàu vào đất liền để giải trí là điều dễ hiểu nhưng ở nhiều quốc gia, họ bị cấm vào bờ vì bất kỳ lý do gì, kể cả chăm sóc y tế. Có lẽ đáng lo ngại nhất là việc họ không thể xuống tàu dù đã kết thúc hợp đồng làm việc.

Trong bối cảnh biên giới đóng cửa, lãnh sự quán bị phong tỏa, việc xét nghiệm khó tiếp cận và các chuyến bay thương mại bị cắt giảm mạnh, chuỗi thủ tục thay thế thủy thủ phức tạp cũng bị gián đoạn. Một thuyền viên từ đất liền nếu muốn thay thế người đã hết hạn hợp đồng đi biển phải rất chật vật để xin được giấy phép, thị thực, giấy chứng minh sức khỏe và đặt được chuyến bay cần thiết.

Trong khi đó, thuyền viên ở trên tàu cũng phải đối mặt với những trở ngại tương tự để rời tàu. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng thay thế thuyền viên trong nửa cuối năm 2020, có tới 400.000 người hết hợp đồng buộc phải tiếp tục làm việc, nhiều người trong đó thậm chí vượt quá giới hạn luật định là 11 tháng trên tàu.

Tàu chở hàng hóa là môi trường làm việc rủi ro cao. Các thuyền viên và chủ tàu đều lo lắng tình trạng nhân viên kiệt sức khi phải làm việc trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến tại nạn hoặc thảm họa nào đó. Tuy nhiên, cảm giác không thể thoát khỏi không gian bí bức của con tàu hay sự tẻ nhạt của công việc vẫn đang đeo bám các thành viên trong thủy thủ đoàn. Một số người cứ đi đi lại lại trên boong tàu, những người khác thì trở nên tuyệt vọng khi nghĩ tới khả năng được về nhà. Cảm xúc của tất cả đều bùng nổ.

“Những trận đánh nhau trong tiếng la hét ầm ĩ là điều không thể tránh khỏi”, Balaod cho hay.

Ông Rajesh Unni, CEO của Synergy Marine Group, công ty quản lý hơn 375 tàu thương mại, từng mô tả hậu quả của việc bị cô lập. Giống như phần còn lại của thế giới, các thuyền viên cũng phải đối mặt với nỗi sợ hãi, mất mát và đau buồn do đại dịch Covid-19 mang đến, nhưng họ còn bị cô lập một cách tuyệt đối khi ở trên tàu.

“Nỗi thất vọng là rất lớn. Bạn không thể làm bất cứ điều gì. Tinh thần mọi người sa sút, số vụ tự tử bắt đầu tăng lên”, ông nói.

Cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên dịu đi trong vài tháng gần đây, nhưng mối nguy mới nghiêm trọng hơn lại đang đến khi dịch Covid-19 xuất hiện biến thể như ở Ấn Độ và Philippines, hai quốc gia có số người đi biển nhiều nhất thế giới. Đây sẽ là rủi ro lớn hơn đối với lực lượng lao động trong ngành hàng hải và có thể kích hoạt các biện pháp hạn chế biên giới mới. Các thuyền viên vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với vắc-xin nay vẫn phải chịu cảnh căng thẳng khi bị cô lập trên tàu và nghe tin tức thảm kịch ở quê nhà.

(Theo NDH)