Hải quan TPHCM kiến nghị nhiều nội dung thực hiện hiệu quả đề án kiểm tra chuyên ngành

Cục Hải quan TPHCM kiến nghị nhiều nội dung triển khai hiệu quả Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về hải quan trong thời kỳ hội nhập.

0
660

Đáp ứng kỳ vọng của DN

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, thời gian qua, công tác kiểm tra chuyên ngành luôn là vấn đề khó khăn đối với hoạt động XNK của doanh nghiệp, chính vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, như: Cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm gia, chuyển phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xử lý chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” theo Quyết định 38/QĐ-TTg được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản công tác kiểm tra chuyên ngành với 7 cải cách thiết thực với những giải pháp cụ thể để thực hiện.

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo nội dung cải cách của Đề án 38 của Chính phủ trong bối cảnh ngành Hải quan đang triển khai xây dựng mô hình Hải quan thông minh, cần nghiên cứu một số nội dung công việc cần thực hiện tốt để khi triển khai trong thực tế và trong mô hình hải quan mới sẽ thuận lợi.

Cụ thể, về văn bản pháp luật, khi ban hành Nghị định kiểm tra chuyên ngành, để việc đáp ứng mô hình hải quan thông minh thời gian tới, việc khai báo của người khai hải quan sẽ chuyển đổi từ hải quan điện tử sang hải quan số, để thực hiện được điều này cần có sự thay đổi về chính sách quản lý hiện nay. Cụ thể, chứng từ kèm tờ khai ở dạng file hay sử dụng chứng từ giấy sẽ phải được loại bỏ mà thay vào đó là số hóa thông tin trên chứng từ đó, kể cả các chứng từ về kiểm tra chuyên ngành (Công bố hợp quy, Kết quả kiểm tra nhà nước,…).

Điều này sẽ cần phải có sự thay đổi trong chính sách pháp luật mà cụ thể là Thông tư hướng dẫn về thủ tục hải quan (sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC) quy định đối với người khai hải quan và định dạng dữ liệu quy định trong Nghị định để các bộ ngành sẽ phải thực hiện số hóa thông tin của các chứng từ có liên quan lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Như vậy, các nghiệp vụ phát sinh mới về kiểm tra chuyên ngành sẽ chuyển hẳn sang số hóa dữ liệu, giảm thao tác thủ công của công chức hải quan, giúp rút ngắn thời gian thông quan lô hàng và giảm sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và người đi làm thủ tục. Đồng thời việc này sẽ giảm khối lượng dữ liệu, thời gian, chi phí cho công tác chuyển đổi dữ liệu khi xây dựng mô hình hải quan thông minh.

Nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia

Theo Cục Hải quan TPHCM, hướng đến việc các bên có liên quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định mới sẽ tương tác chủ yếu trên Hệ thống Một cửa quốc gia bao gồm người khai hải quan, cơ quan Hải quan, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, cơ quan kiểm tra nhà nước, do đó cần Hệ thống hoạt động một cách ổn định, an toàn và hiệu quả.

Chính vì thế, việc nâng cấp Hệ thống một cửa quốc gia là hết sức cần thiết để đáp ứng các quy trình kiểm tra theo Nghị định kiểm tra chuyên ngành mới. Cụ thể, đảm bảo kết nối thông suốt từ Tổng cục Hải quan đến các bộ ngành, các tổ chức giám định, chứng nhận và doanh nghiệp; bổ sung các chức năng đáp ứng các quy trình kiểm tra theo Nghị định; sử dụng các Danh mục của các bộ, ngành công bố trên Hệ thống Một cửa quốc gia để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và áp quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngoài ra, hiện nay bên cạnh việc trả kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Hệ thống Một cửa quốc gia, một số bộ, ngành vẫn thực hiện thủ tục thông qua Dịch vụ công trực tuyến. Do đó, Bộ Tài chính cần kiến nghị các bộ, ngành thống nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành thông qua Hệ thống Một cửa quốc gia và Tổng cục hải quan nghiên cứu để chuẩn hóa dữ liệu để có thể kết nối dữ liệu của hai hệ thống. Hệ thống Một cửa quốc gia khi triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành một cách đầy dủ sẽ là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng không chỉ cho mô hình hải quan thông minh mà còn là cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành.

Đối với công tác phối hợp, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, khi triển khai Nghị định kiểm tra chuyên ngành mới trên Hệ thống Một cửa quốc gia đòi hỏi các bên có liên quan từ người khai hải quan, cơ quan Hải quan, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận, cơ quan kiểm tra nhà nước phải có trách nhiệm theo dõi, cập nhật, xử lý kịp thời. Các trường hợp phát sinh phải được trao đổi để tháo gỡ ngay mới không ách tắc trên Hệ thống. Qua đây cũng là bước các bên thực hiện thí điểm xử lý dữ liệu số để đến khi triển khai mô hình hải quan thông minh sẽ hạn chế được những sai sót phát sinh.

Ngoài ra, các bộ, ngành cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện ban hành và công bố các Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng; Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật hoặc chỉ tiêu an toàn áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu;… và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

(Theo Hải quan)