Kết nối hàng hóa với khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải – Một nội dung cần thiết

0
1406
Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa thông báo sẽ tổ chức Hội thảo Khách hàng trực tuyến vào sáng 09/07/2021 với chủ đề “Giải pháp kết nối hàng hóa với khu vực Cái Mép”, đây là một đề tài rất đáng chú ý trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là một nội dung trọng điểm đối với hoạt động logistics và vận tải hàng hóa trong tương lai.

Cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV), hay được gọi ngắn gọn là cụm cảng Cái Mép, là cụm cảng container nước sâu đầu tiên của Việt Nam. Cụm cảng đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2009 và sau một số khó khăn trong những năm đầu hoạt động, cảng CM-TV giờ đây đã phát triển thành một trong những cảng container nước sâu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, khu vực nổi tiếng với các cảng trung chuyển hàng đầu thế giới như Singapore, Tanjung Pelepas hay các cảng cửa ngõ lớn khác nhu Laem Chabang, Jakarta, Manila.

Hoạt động hiệu quả với sản lượng thông qua liên tục tăng nhanh và giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng vượt bậc trong chỉ số kết nối hàng hải quốc tế (Liner Shipping Connectivity Index, LSCI), nhưng CM-TV không phải là không có những vấn đề, tỷ lệ giao nhận trực tiếp tại CM-TV vẫn còn thấp (<15%) khiến cho CM-TV lệ thuộc gần như hoàn toàn vào hoạt động vận chuyển sà lan để kết nối với các trung tâm hàng hóa chính của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hoạt động vận chuyển sà lan giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, tuy nhiên điều này khiến cho các cảng phải luôn dành nguồn lực cầu bến để tiếp nhận làm hàng cho sà lan, qua đó làm giảm công suất hữu ích của các cảng. Hiện nay, đa số các bến cảng tại CM-TV phải dành cầu chính (main berth) với cẩu bờ công suất lớn (QC) để làm sà lan, điều này cũng từa tựa như giết gà dùng dao mổ trâu vậy. Nếu tỷ lệ giao nhận qua cổng cảng tăng lên, các cảng sẽ có thêm dư địa để tiếp nhận thêm các chuyến tàu mẹ hay các tuyến dịch vụ Nội Á, từ đó giúp tăng tính kết nối khu vực của CM-TV, tạo tiền đề cho CM-TV vươn lên thành cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu tại châu Á. Đây cũng là một mục tiêu mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại CM-TV vào cuối tháng 3/2021 vừa qua, tại thời điểm mà ông là Thủ tướng Chính phủ.

Đương nhiên tăng tính kết nối với hậu phương của CM-TV là không đơn giản, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Hiện khai thác hai bến cảng tại CM-TV là cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) và cảng Tân Cảng Cái Mép – Thị Vải (TCTT), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đầu tàu trong những nỗ lực kết nối hàng hóa với CM-TV, hệ thống cơ sở logistics rất mạnh của TCSG tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khiến cho TCSG có thể xây dựng được nhiều giải pháp để tăng tính kết nối với CM-TV trong những năm qua.

Và nhìn vào những năm tới, CM-TV rồi sẽ được cải thiện tính kết nối với các vùng hậu phương hàng hóa, bằng cả đường bộ với các dự án Bến Lức – Long Thành, cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hay cả đường thủy với các dự án phát triển cảng cạn (ICD) mới tại TPHCM và Bình Dương, đồng thời các doanh nghiệp vận tải sà lan như Vận Tải thủy Tân Cảng, ITC Logistics, Phước Tạo, Gemadept, Transimex.. đã liên tục đầu tư vào đội sà lan trong những năm qua. Các dự án cảng triển khai trong tương lai tại CM-TV như cảng Cái Mép Hạ và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ sẽ có những bến phụ để làm sà lan, qua đó giúp tăng năng lực tiếp nhận tàu của CM-TV, và đó chắc chắn là những tín hiệu tích cực cho thấy CM-TV đang có những điều kiện cần để tiếp tục phát triển xứng tầm.

Nhưng CM-TV đã hoàn thiện các điều kiện đủ hay chưa? Tại thời điểm này, theo ghi nhận của Nền Logistix, thì chưa, giao nhận hàng hóa trực tiếp tại CM-TV vẫn còn đang có nhiều bất cập, chi phí cao hơn, chưa có trung tâm kiểm tra hàng hóa tập trung, thiếu vắng các ICD để thực hiện các dịch vụ logistics, hàng hóa còn mất cân đối dẫn đến các nhà xe chưa thể tối ưu hóa vòng luân chuyển, hải quan ở CM-TV “đôi khi” còn diễn giải luật theo cách khác với hải quan ở TPHCM… Khác với hạ tầng cứng rồi sẽ được cải thiện, những lĩnh vực mà chúng ta đề cập ở trên sẽ chỉ được cải thiện nếu có những chính sách đúng đắn từ phía các cơ quan chức năng cũng như sự nỗ lực tối đa của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, cả công và tư.

Chính vì vậy, Hội thảo “Giải pháp kết nối hàng hóa với khu vực Cái Mép” được kỳ vọng sẽ là nơi để các bên gặp gỡ và trao đổi về các giải pháp kết nối “mềm”, các chính sách để giúp cho CM-TV phát triển lên một tầm cao mới.

Hội thảo sẽ có các phần trình bày chính về “Xu hướng phát triển hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua khu vực cảng Cái Mép và những điều Doanh nghiệp cần chuẩn bị”, “Tầm nhìn phát triển các ICD ở Đông Nam Bộ kết nối với khu vực cảng Cái Mép” và “Giải pháp kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu với khu vực cảng Cái Mép” với diễn giả là đại diện từ Bộ Công thương và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đây đều là các nội dung quan trọng đòi hỏi sự quan tâm đúng mức từ tất cả các bên. Như đã nhắc ở trên, TCSG là doanh nghiệp có đủ nguồn lực để xây dựng những giải pháp góp phần nâng cao tính kết nối của CM-TV trong thời gian tới. Đại diện Bộ Công thương là ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là một cán bộ rất tâm huyết với phát triển ngành logistics và luôn xuất hiện trên các Diễn đàn hàng đầu về logistics và xuất nhập khẩu cấp quốc gia trong những năm qua.

Nền Logistix trân trọng giới thiệu về Hội thảo đến tất cả các thành viên của Nền và hy vọng chúng ta sẽ thu được nhiều tri thức bổ ích khi tham dự Hội thảo. Cho dù “nền” (background) của chúng ta có thể là khác nhau khi có người đến từ doanh nghiệp logistics, cảng biển, doanh nghiệp sản xuất hay có bạn thuộc về nhóm đối tượng nghiên cứu, sinh viên, nhà báo…, chúng ta hy vọng Hội thảo sẽ tiếp tục mang đến những nền tảng (foundation) cần thiết để góp phần chuẩn bị cho tương lai gần của chính chúng ta.

Nền Logistix