Văn bản của Bộ Y tế giải thích rõ, người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa gồm lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe.
Trong trường hợp xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 (gồm 19 tỉnh thành phía Nam) đến khu vực liền kề đang áp dụng chỉ thị thấp hơn thì tài xế, nhân viên trên xe phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện cũng được yêu cầu hạn chế dừng đỗ, tiếp xúc với người khác, di chuyể theo đúng lộ trình, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là khai báo y tế, đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng trang phục phòng chống dịch trong quá trình bốc dỡ hàng hóa nếu cần thiết, sát khuẩn tay thường xuyên, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày…
Riêng với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên luồng xanh trên các tuyến giao thông, có mã QR thì được các cơ quan chức năng phương bố trí các địa điểm dừng nghỉ để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí cho người trên xe.
Để thuận lợi cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá, Bộ Y tế cũng đồng ý cho các đơn vị y tế nhà nước từ cấp xã trở lên hoặc các cơ sở y tế (kể cả tư nhân) được phép thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Nền Logistix / Tâm An