NỀN Logistix

VLA kiến nghị, nhân viên các công ty logistics được “đi làm”

Theo Bộ Công Thương, nhiều cấp chính quyền còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng lao động trong các ngành vận tải và logistics trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.

Trao đổi với Nền Logistix sáng 2/8, bà Nguyễn Thu Hiền, đại diện Công ty Delta tại TPHCM cho biết, sáng nay, các nhân viên của công ty đã được qua các chốt kiểm soát bình thường, không còn bị yêu cầu quay đầu xe như hôm 31/7 (thứ Bảy tuần trước).

Trước đó, vào buổi sáng thứ Bảy, nhân viên công ty này đi từ nhà ở quận 12 qua Gò Vấp để ra Sân bay làm thủ tục hải quan thì bị lực lượng chức năng tại chốt quận 12 – Gò Vấp yêu cầu quay đầu xe dù nhân viên cung cấp giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận của doanh nghiệp. Lý do được đưa ra để từ chối của lực lượng chức năng là nhân viên công ty logistics không nằm trong bảng đặc điểm nhận biết người và phương tiện được phép lưu thông của Công An TPHCM phát đi trước đó.

Tương tự, tại chốt kiểm soát vào TP Thủ Đức, nhân viên Công ty Delta được yêu cầu cung cấp giấy đi đường có dấu xác nhận của UBND phường mới được qua chốt.

Do không thể đáp ứng yêu cầu, các nhân viên này đều phải quay đầu xe, không thể tiếp tục đi làm. “Chúng tôi sau đó phải nhờ người của công ty bạn giải quyết công việc giùm”, bà Hiền cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của Nền Logistix, nhân viên nhiều công ty logistics khác cũng phải tình huống tương tự hôm 31/7. Đặc biệt, trong cùng một quận nhưng cách xử trí của lực lượng chức năng tại các chốt cũng rất khác nhau.

Anh Thành, nhân viên Công ty ONEX Logistics cho biết, ở chốt kiểm soát đầu tiên anh gặp trên đường đi từ nhà ở Lê Đức Thọ, Gò Vấp sang công ty (khu dân cư Vạn Phúc I, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), anh được qua chốt khi xuất trình giấy xác nhận của công ty kèm thẻ đại lý hải quan. Tuy nhiên, đến chốt thứ hai ở nút giao Phan Văn Trị – Phạm Văn Đồng thì bị yêu cầu quay đầu xe. Anh tìm cách đi hướng khác, theo đường Nguyễn Oanh qua Quận 12 để ra Quốc lộ 1 thì cũng không thể qua chốt cầu An Lộc do tại đây có tình trạng ùn ứ, hàng xe dài chờ kiểm soát.

Được biết, ngay chiều 31/7, VLA đã có văn bản gửi UBND TPHCM kiến nghị hướng dẫn chi tiết thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU ngày 23/7/2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với lao động ngành dịch vụ logistics.

Theo VLA, báo cáo số 2986/BC-CATP về việc triển khai thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid – 19 của CA TPHCM hôm 29/7 có đính kèm bảng đặc điểm nhận biết người và phương tiện được phép lưu thông, không quy định rõ về người và phương tiện của doanh nghiệp dịch vụ vận tải, logistics. Đây là đối tượng đang thực hiện công tác giao nhận hàng hóa thiết yếu và hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng trong triển khai thực hiện.

Vì vậy, VLA đề xuất UBND TPHCM, Công An TPHCM và các sở ngành liên quan bổ sung các lao động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics vào danh sách đối tượng được phép lưu thông trên đường. Đó là các lái xe vận tải, người hỗ trợ lái xe vận tải, nhân sự hỗ trợ vận tải làm việc tại kho/cảng/trung tâm phân phối/trung tâm logistics/cục và chi cục hải quan… trên đường đến nơi làm việc.

Để được lưu thông trên đường, các lao động này cần đảm bảo yêu cầu nhận diện như đeo thẻ nhân viên , có giấy xác nhận từ doanh nghiệp, có bản photo giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp để xác nhận hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 30/7 Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics – đặc biệt là lái xe, phụ xe, vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… 

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, đơn vị này nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về các biện pháp phòng chống dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hoá của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất, làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hoá phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, hoạt động logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hoá là mạch máu của các hoạt động kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới, hành chính. Do đó, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù dắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài. 

Bên cạnh đó, các ngành chế biến nông sản, thực phẩm chế biến các thực phẩm thiết yếu khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tính chất mùa vụ cũng như hạn sử dụng ngắn hạn, kéo theo sự khó khăn nghiêm trọng của các doanh nghiệp và nông dân ngành chăn nuôi và nông nghiệp.

Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng hơn 11,3 triệu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành, nghề liên quan.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian qua chủ yếu do nhiều cấp chính quyền còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng lao động trong các ngành vận tải và logistics trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh. 

Do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, nhiều địa phương chưa được ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là ưu tiên tiêm vắc xin. Từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. 

Nền Logistix l Tâm An

Exit mobile version