Visaba: ‘Cảng Cát Lái vốn tắc nghẽn nghiêm trọng 5 năm qua’

Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam (Visaba) cho rằng tình trạng tắc nghẽn hiện tại ở cảng Cát Lát là "giọt nước tràn ly".

0
643
Công suất cảng Cát Lái đã vượt quá quy hoạch cảng đến năm 2030. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng của cảng Cát Lái trong thời gian gần đây đã buộc hàng loạt các cơ quan ban, ngành từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, UBND TP và các cơ quan cùng hệ thống các cảng lân cận vào cuộc để có thể giải tỏa ùn tắc tại cảng khu vực này.

Tuy nhiên, theo thông tin của Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam (Visaba) mới công bố, tác động của đại dịch Covid-19 chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, đẩy tình trạng tắc nghẽn cảng vốn đã rất nghiêm trọng trong 5 năm trở lại đây trở thành tâm điểm đáng chú ý.

Theo Quyết định số 3655/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai có sản lượng thông qua không vượt quá 4,01-4,02 triệu TEU mỗi năm (đến năm 2020) và 4,02-40,3 triệu TEU mỗi năm (đến năm 2030).

Tuy nhiên, theo thống kê từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), từ năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua khu cảng biển Cát Lái đã liên tục tăng và vượt công suất quy hoạch cảng đến năm 2030.

Không chỉ tiếp nhận các tàu biển feeder đến 30.000DWT về cảng, khu vực cảng Cát Lái còn là nơi tập kết của hàng triệu TEU mỗi năm được vận chuyển bằng tàu sông, sà lan từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước…đổ về.

Bên cạnh đó, Visaba cũng cho rằng bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các cảng trong cùng khu vực TP.HCM đang có sự đối lập rõ rệt giữa hai khu vực.

Tại cảng Cát Lái, dù hoạt động tắc nghẽn nhưng lại liên tục phá vỡ quy hoạch, tiếp nhận tàu với sản lượng thông qua luôn vượt xa công suất thiết kế.

Điều này đã gây nên những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với giao thông trong và ngoài cảng, gia tăng tai nạn giao thông trong khu vực, đồng thời tăng chi phí logistics đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt, đây cũng là nguyên nhân khiến khu vực này trở thành một trong những điểm nóng về ô nhiễm nhất của TP.

Trong khi cách đó không xa, các cảng trong cùng hệ thống cảng TP.HCM như SP ITC, SPCT, Hiệp Phước… được đầu tư hiện đại lại đìu hiu, vắng vẻ, không thể kéo nổi chân hàng do sự cạnh tranh từ Cát Lái. Các cảng này đang hoạt động cầm chừngl thấp xa so với công suất thiết kế, thậm chí phải thanh lý thiết bị xếp dỡ và chuyển đổi công năng sang làm hàng rời, hàng ôtô…

Hiệp hội khẳng định đã đến lúc các cơ quan ban ngành cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ và dài hơi hơn, giảm mức độ phụ thuộc, chi phối thị trường của các cảng như khu vực Cát Lái và khu vực Cái Mép.

Về giải pháp, Hiệp hội đề xuất cảng Cát Lái cần phải tuân thủ theo đúng quy hoạch của Bộ GTVT, chỉ tiếp nhận sản lượng trong phạm vi quy hoạch để đảm bảo chất lượng hoạt động của cảng, cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như giảm bớt gánh nặng lên hạ tầng xung quanh, đảm bảo môi trường.

Cùng với đó, các tàu từ khu vực Cái Mép, Hiệp Phước… đang về cảng Cát Lái cần được điều phối chuyển sang các cảng, ICD lân cận. Việc này sẽ giúp giảm tải cho khu vực theo đúng quy trình vận chuyển hàng hóa và nhu cầu thực tế của các chủ hàng, mang lại hiệu quả cao nhất cho các doanh nghiệp.

(Theo Zing)