Công cụ này cũng giúp “chỉ điểm” những khu vực đang có nhu cầu cao hoặc có nguy cơ thiếu hụt để các doanh nghiệp cung ứng hàng thiết yếu, các tổ chức, cá nhân làm từ thiện hoặc các tổ chức chống dịch ra quyết định phân bổ đúng nơi, kịp thời.
HCMC DemandSupply là dự án đầu tiên thuộc Chương trình Data For Good của CEL, được xây dựng trong 14 ngày trong đợt giãn cách xã hội tại TPHCM giữa tháng 7. HCMC DemandSupply đã có phiên bản dành cho máy tính từ 30/7 và có phiên bản dành cho điện thoại từ 10/8.
Dữ liệu sử dụng được tổng hợp từ nhiều nguồn như Bộ Y tế, UBND TPHCM, Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và tra soát dữ liệu thực tế từ CEL. Tất cả nguồn thông tin đều minh bạch. CEL cập nhật liên tục hàng ngày để đảm bảo có được những thông tin mới nhất.
HCMC DemandSupply tập hợp hơn 3.759 điểm cung cấp mặt hàng thiết yếu trên toàn TPHCM bao gồm chợ lồng được phép mở cửa, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hoá – rau củ – thực phẩm, các chuỗi bán lẻ, điểm bán di động, điểm bán từ thiện… Với sự thay đổi thông tin về ảnh hưởng phong toả, cách ly và diễn biến dịch tại Tp.HCM, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-100 điểm thông tin trên bảng được cập nhật. Bên cạnh đó còn có các dữ liệu mở rộng như chia sẻ toàn bộ danh bạ các dự án từ thiện, phi lợi nhuận tại TPHCM hướng đến các thành phần yếu thế để các doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp chủ động liên hệ.
DỮ LIỆU “CUNG CẦU THIẾT YẾU TẠI TPHCM” NÓI ĐIỀU GÌ?
Hệ thống phân phối thực phẩm của TPHCM có 207 siêu thị, 3 chợ đầu mối, 130 chợ truyền thống có mái lồng, 37 trung tâm thương mại và hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi mini và hơn 28.700 cửa hàng tạp hóa. Thực phẩm thiết yếu tại TPHCM được cung cấp từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang… Trước đây, hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu thực phẩm của người dân, còn lại là hàng từ ba chợ đầu mối lớn: chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức tiếp nhận từ các địa phương lân cận, sau đó chuyển sang 130 chợ truyền thống.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải đóng cửa, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nông sản cho người dân, cụ thể là trong thời gian giãn cách của đợt dịch này, chỉ có 12% của tổng số điểm cung cấp thực phẩm thiết yếu mở cửa hoạt động, tức 3.759 điểm bán.
Trong 3.759 điểm cung ứng thực phẩm trên, chiếm 46,1% là các cửa hàng thực phẩm tiện lợi như Co.op Foods, Vinmart, Satra Foods, Bách Hoá Xanh…;20,1% là chuỗi cửa hàng tiện lợi như Ministop, Familymart, 7-Eleven…;14,4% là các cửa hàng đặc thù chuyển dịch tạm thời cung cấp thêm hàng thiết yếu như Con Cưng, Guardian, Di Động Việt…;9,8% là các công ty thương mại – sản xuất thực phẩm;3,1% là chợ truyền thống;2,4% là các cửa hàng lưu động;1,3% là siêu thị và 2,8% là các cửa hàng từ thiện, cửa hàng 0 đồng…
Đặc biệt, dữ liệu cũng chỉ ra, mạng lưới phát triển kênh phân phối, bán lẻ tập trung cao tại các quận trung tâm trước đại dịch đã ảnh hưởng đến sự phân bổ không cân đối về điểm bán hàng thiết yếu trong giai đoạn giãn cách xã hội giữa các quận.
Ví dụ, chỉ tính theo số lượng điểm bán, quận Bình Thạnh có số điểm bán hàng thiết yếu cao gấp 20 lần so với Cần Giờ. Có nhiều quận có hơn 200 điểm bán mặt hàng thiết yếu và mở cửa hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội tại TPHCM như: Bình Thạnh, Gò Vấp, Quận 7, Bình Tân, Tân Bình và Thành phố Thủ Đức. Trái lại, các quận, huyện như Quận 11, Quận 4, Quận 6, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ có ít hơn 100 điểm bán thiết yếu.
Nếu tính theo phân bổ điểm bán thiếu yếu mở cửa trong giãn cách theo mật độ dân số từng quận, trung bình người dân sống tại Quận 1 có nhiều lựa chọn điểm mua hàng thiết yếu nội quận cao hơn 9 lần so với người dân sống tại Củ Chi, cao hơn 7 lần so với người dân sống tại Bình Chánh và Cần Giờ.
Qua phân tích dữ liệu 3.759 điểm bán thiết yếu trong giãn cách qua theo cấp độ phường, CEL nhận thấy có một sự mất cân đối rất lớn về việc phân bổ điểm bán theo từng phường. Tính theo số lượng điểm bán, người dân tại hơn 160 phường – xã (chiếm hơn phân nửa trong tổng 321 phường của TPHCM) chỉ được tiếp cận khoảng 20% tổng số điểm bán thiết yếu mở cửa trong thời gian qua, ứng với khoảng hơn 750 điểm bán. Nghĩa là, chỉ có khoảng 4-5 điểm bán thiết yếu mở cửa trong một phường xã. Ngược lại, ở nhiều khu vực khác, số điểm bán hàng thiết yếu lại lên tới 18-19/phường, xã.
Nếu tính theo mật độ dân cư từng phường xã, hiện tượng “nước chảy không đều” do mất cân đối trong điểm bán do vị trí hành chính trong giai đoạn giãn cách diễn ra càng rõ rệt. Điển hình như xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có 36 điểm bán thiết yếu mở cửa cho số dân khoảng hơn 9.400 người trong khi nơi có 46.000 dân như phường Long Bình (Thành phố Thủ Đức) lại chỉ có 1 điểm bán mở cửa.
Vì vậy, CEL kỳ vọng, công cụ này sẽ giúp chính quyền địa phương, ban ngành có liên quan chú ý hơn để giúp ổn định – kiểm soát giá thị trường tại những phường xã có phần “cung” rất ít so với “cầu”.
Các tổ chức thiện nguyện, phi lợi nhuận qua đây cũng có thể tái phân bổ lại mạng lưới các khu vực thật sự “cần” và chịu nhiều áp lực từ việc mất cân đối trong số lượng và phân bổ điểm cung ứng hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thiết yếu có thể tái thiết kế mạng lưới phân phối, đề ra sáng kiến và giải pháp thực tiễn cân đối cung và cầu giữa các khu vực, khai thác thị trường mới chính là những khu vực có ít điểm cung ứng, ví dụ tăng cường điểm bán lưu động, xem xét lại chiến lược phát triển mạng lưới cung ứng không bị “đứt gãy” những chặng cuối.
Ngoài ra, các cá nhân muốn đóng góp, san sẻ với đối tượng yếu thế có thể ưu tiên hỗ trợ những nơi thật sự cần, giúp đúng người, đúng nơi và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc mất cân đối cung – cầu để “nước chảy đều”.
Ông Julien Brun, Tổng giám đốc CEL, chia sẻ, CEL chọn bắt đầu với TPHCM vì đây là địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức cung cầu nhất trong đợt dịch này. Trong thời gian tới, CEL có thể sẽ mở rộng dữ liệu sang lĩnh vực thiết yếu khác như nước uống, y tế.
Tra cứu dữ liệu tại www.cel-consulting.com/dataforgoodhcmcvn
Nền Logistix l Tâm An