Sự bùng nổ của ngành vận tải biển toàn cầu sẽ kéo dài trong bao lâu?

0
757
Ngành vận tải biển đang là tâm điểm của chú ý của cả thế giới.

Chúng ta đang được chứng kiến thời điểm bùng nổ của ngành vận tải biển toàn cầu, và nhu cầu mua sắm hàng hóa được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 đang gây ra tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Theo ông Jan Hoffmann, Trưởng Tiểu ban Logistics Thương mại thuộc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thì trong thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng tăng cao bất thường đã đẩy cước vận chuyển container lên mức cao nhất trong lịch sử.

Nền Logistix: Jan Hoffmann là người quen cũ của chúng ta với một bài viết đã được cộng đồng Nền rất quan tâm.

Ông Hoffmann cho biết: “Ví dụ, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải đến Brazil hiện nay đã cao hơn gần 5 lần so với mức trung bình của 12 năm qua”.

Người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu

Ông Simon Heaney, quản lý cấp cao mảng nghiên cứu vận tải container tại hãng tư vấn Drewry, trao đổi với Capital.com rằng người tiêu dùng đang mua sắm bằng số tiền mà trước đây họ thường chi cho các kỳ nghỉ và cho các mục đích đi lại khác nhau.

Ông cho biết, “Về cơ bản, các chủ hàng đang rơi vào tình trạng buộc phải trả bất cứ mức giá nào họ được chào, chỉ để được đưa hàng lên tàu vào thời điểm này. Các hãng tàu đang là nhóm hưởng lợi chính của đại dịch”.

Thực trạng thị trường đang dẫn đến mức lợi nhuận rất cao cho những tên tuổi lớn nhất ngành vận tải biển – và tình hình có thể sẽ kéo dài đến hết năm nay, và ông Heaney dự đoán tổng sản lượng xếp dỡ tại các cảng trên toàn thế giới sẽ tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông nhận định: “Drewry cho rằng ngành vận tải biển sẽ kiếm được từ 80 tỷ đến 100 tỷ USD trong năm 2021.

Lợi nhuận và tắc nghẽn

Hãng tàu Hapag-Lloyd là một trong những hãng gặt hái được những kết quả kinh doanh tốt nhất. Hãng tàu có trụ sở tại Đức đã đạt được lợi nhuận ròng 3,28 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021 – cao gấp 10 lần so với con số 314 triệu USD mà hãng ghi nhận được trong cùng kỳ năm 2020.

Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành của hãng, cho rằng doanh thu tăng mạnh là do giá cước vận tải trung bình các tuyến đã tăng đến 46% trong bối cảnh thị trường chung của ngành vận tải biển đã tiến đến giai đoạn thiếu hụt năng lực vận chuyển.

Ông nói: “Trong một thị trường mà nhu cầu vận tải container đang là rất lớn, chúng tôi đã được hưởng lợi từ giá cước cải thiện đáng kể và nửa đầu năm 2021 đã diễn ra khá suôn sẻ với Hapag-Lloyd”.

Habben Jansen không cho rằng thị trường sẽ hạ nhiệt cho đến hết quý đầu tiên của năm 2022. Và trong khi thể hiện sự hài lòng với lợi nhuận mà hãng kiếm được, Giám đốc điều hành của Hapag-Lloyd cũng thừa nhận các vấn đề của ngành vận tải biển.

Ông cho biết: “Những nút thắt trong chuỗi cung ứng tiếp tục gây ra sự căng thẳng rất lớn và tính kém hiệu quả cho tất cả các bên tham gia thị trường và hãng chúng tôi đang phải cố gắng hết sức để giải quyết các nút thắt này càng sớm càng tốt”.

Hapag-Lloyd không phải là hãng tàu duy nhất ghi nhận đột biến doanh thu hay sự tắc nghẽn trong giai đoạn đặc biệt này. Tập đoàn A.P. Moller – Maersk (sở hữu hãng tàu Maersk) có trụ sở tại Đan Mạch gần đây đã báo cáo doanh thu tăng 58% lên 14,2 tỷ USD trong quý 2 năm nay.

Trong một tuyên bố của tập đoàn, giám đốc điều hành Søren Skou cho biết kết quả kinh doanh ấn tượng là nhờ Tập đoàn được hưởng lợi từ những “hoàn cảnh đặc biệt” trong mảng kinh doanh vận tải biển (Ocean), nơi sự tắc nghẽn và các nút thắt cổ chai tiếp tục đẩy cước vận chuyển lên cao trong thời gian qua.

Ba lĩnh vực kinh doanh chính của A.P. Moller – Maersk hiện nay là Vận tải biển (Ocean), Khai thác cảng (Terminals), Logistics và các dịch vụ khác.

Tất nhiên, giá cước tăng cao sẽ kéo theo những hệ quả. Một ai đó rồi sẽ phải trả những chi phí vận chuyển này – đó có thể là các chủ hàng/người gửi hàng hoặc khách hàng của các chủ hàng đó.

Người tiêu dùng sẽ là người trả tiền vận chuyển

Đó là quan điểm được Danni Hewson, nhà phân tích tài chính tại AJ Bell nêu ra.

Nhà phân tích này cho biết. “Chi phí vận chuyển đã tăng vọt, với thực trạng một số nhà nhập khẩu báo cáo chi phí này đã tăng lên tới 500%, và số tiền đó rồi sẽ được chuyển cho người tiêu dùng thanh toán”.

Female buying dairy products
Bà Danni Hewson cho rằng người tiêu dùng thực chất mới là nhóm người sẽ trả tiền cước vận chuyển khi mua hàng

Hewson chỉ ra rằng trong khi các sản phẩm còn tương đối thiếu thốn nhưng nhu cầu cho các sản phẩm này vẫn cao, thì giá bán sẽ tăng.

“Đây thuần túy là câu chuyện kinh tế học”, cô nhìn nhận. “Câu hỏi lớn giờ đây là mọi người sẽ sẵn sàng trả đến bao nhiêu cho mặt hàng đó cho tới mức họ quyết định là không có cái món đó cũng chả chết ai”.

Vấn đề kinh tế

Đương nhiên chúng ta có thể nêu quan điểm. Những gì đang xảy ra cho thấy sự gián đoạn trong khai thác cảng và những khó khăn trong việc có được container để đóng hàng cuối cùng sẽ là lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.

Dù theo cách nào đi nữa thì giai đoạn một vài tháng tới có thể sẽ rất thú vị và không một ai biết chắc rằng mọi thứ rồi sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là với sự lo ngại có cơ sở về các trường hợp dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng.

Theo ông Chris Beauchamp, nhà phân tích chính của hãng tư vấn tài chính IG, thì rất khó để có thể nhận định cụ thể xem năm tới rồi sẽ diễn ra như thế nào.

Ông cho biết, “Chúng ta vẫn đang sống trong nửa sau của một năm nhiều thử nghiệm. Chưa ai có thể chắc chắn về việc chấm dứt những điều đang diễn ra, và kể cả khi chấm dứt được, thì biết đâu mọi thứ có thể trở lại trong khoảng thời gian vài tháng hoặc một năm”.

Những vấn đề về logistics

Đây là vấn đề có nhiều mặt cần bàn. Mối quan tâm chính liên quan đến logistics hiện nay là việc vận chuyển các lô hàng đã cập cảng về tới điểm đến cuối cùng của lô hàng.

Logistics UK, tổ chức chuyên về thương mại trước đây được gọi là Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Vương quốc Anh, đã kêu gọi đầu tư nhiều tiền hơn vào vấn đề này.

Logistics UK là Hiệp hội hàng đầu về logistics ở Vương quốc Anh

Trong báo cáo năm 2021 của Logistics UK, Giám đốc điều hành David Wells khẳng định hiệu quả của nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng triển khai hệ thống logistics “đầy đủ và hiệu quả”.

Báo cáo cho biết: “Khi chúng ta phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch, đầu tư vào tương lai của ngành logistics – bao gồm vận tải hàng hóa bằng đường sắt, vốn là hạng mục rất quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon của Vương quốc Anh – sẽ là nội dung cần thiết”.

Tình trạng thiếu tài xế

Vẫn còn nhiều vấn đề khác cần được giải quyết thấu đáo, trong đó có vấn đề liên quan đến lực lượng tài xế.

Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh ước tính Vương quốc Anh sẽ cần thêm đến 100.000 người điều khiển phương tiện vận tải nặng (heavy goods vehicle, HGV) – và cảnh báo sẽ mất ít nhất 18 tháng để đào tạo lượng tài xế đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ Anh đã triển khai một chương trình tham vấn về cách thức để có thể sắp xếp hợp lý các công đoạn của những bài kiểm tra lái xe cần thiết.

Trong một bức thư ngỏ gửi cộng đồng ngành logistics, các bộ trưởng cho biết họ đã chủ trương thực hiện những thay đổi để cố gắng cải thiện tình hình, chẳng hạn như nới lỏng các quy định về giờ lao động của người lái xe. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi hiểu rõ rằng các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn vào lúc này và phải đang điều chỉnh để thích ứng với các hoạt động kinh doanh. Trong giai đoạn trung hạn sắp tới, chúng tôi cho rằng điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là các sự thay đổi trong phương thức kinh doanh cần ghi nhận rõ về sự kết thúc của việc di chuyển tự do, nhu cầu đa dạng hơn về lực lượng lao động, cách những người điều khiển phương tiện được đào tạo và trả lương, và cả những điều kiện lao động cho các tài xế”.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo capital.com