Các liên minh hãng tàu đang cạnh tranh khốc liệt trên những tuyến hàng hải Đông – Tây

0
2363
Các liên minh hãng tàu vẫn rất mạnh, nhưng thị trường đang chứng kiến nhóm các hãng không tham gia liên minh cũng đang củng cố sức mạnh của mình. Trong ảnh là tàu của 2 liên minh Ocean (hãng tàu Evergreen) và THE (hãng ONE) tại cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). Nguồn ảnh: TCIT.

Trong khi các cơ quan quản lý cạnh tranh và các chủ hàng cho rằng có sự thông đồng giữa các hãng tàu giữa bối cảnh giá cước cao ngất ngưởng hiện nay, thì một phân tích mới từ hãng tư vấn hàng hải Sea-Intelligence lại cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần giữa ba liên minh hãng tàu trên thị trường các tuyến hàng hải Đông – Tây.

Kể từ đầu năm 2020, liên minh 2M (bao gồm Maersk và MSC) đã phải chia sẻ thêm thị phần vận chuyển vào tay liên minh Ocean trên tuyến Châu Á-Bắc Âu và cho cả hai liên minh Ocean và THE trên tuyến Châu Á-Địa Trung Hải.

Trong khi liên minh 2M có hai thành viên đều đến từ châu Âu, 2 liên minh còn lại đều là sự kết hợp giữa các hãng tàu từ châu Âu và châu Á. Liên minh Ocean bao gồm CMA-CGM, Cosco và Evergreen, trong khi đó liên minh THE có các thành viên là Hapag-Lloyd, HMM, Ocean Network Express (ONE) và Yang Ming.

3 liên minh hãng tàu từ tháng 4/2017 đến nay. HMM trong thời gian đầu tham gia hợp tác với 2M, nhưng sau đó gia nhập liên minh THE với tư cách thành viên đầy đủ từ tháng 4/2020.

Tuy nhiên, diễn biến sôi động nhất về thay đổi thị phần lại đến từ tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương. Cả ba liên minh vận chuyển đều đã mất thị phần vận chuyển vào tay các hãng tàu không tham gia liên minh, với một loạt các tên tuổi mới tham gia vào tuyến vận chuyển nóng bỏng này, và những hãng mới toanh này đã triển khai bất kỳ cỡ tàu nào mà họ có thể khai thác được.

Đáng chú ý, thị phần sức chở của các tuyến dịch vụ không thuộc liên minh hiện cao hơn cả hai liên minh rất mạnh là THE và 2M, và hiện bằng khoảng 30% tổng công suất được triển khai trên tuyến xuyên Thái Bình Dương, theo dữ liệu của Sea-Intelligence (xem biểu đồ bên dưới).

Nhóm các hãng tàu không chính thức tham gia liên minh nào (Non-alliance) như Wan Hai, CU Lines, Matson, PIL… đã tăng cường tham gia vào thị trường vận chuyển tuyến châu Á – Mỹ và có được thị phần đáng kể trong giai đoạn đại dịch COVID-19

“Trái ngược với những lời phàn nàn hiện nay về sự thông đồng chia sẻ thị trường giữa các liên minh hãng tàu, phân tích của chúng tôi cho thấy rằng các siêu liên minh lại đang phải gồng mình tranh giành thị phần sức chở trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương và Á-Âu. Điều này thậm chí còn thể hiện rõ ràng trong suốt một năm rưỡi đầy biến động của đại dịch COVID-19”, Sea-Intelligence tuyên bố trong báo cáo hàng tuần mới nhất của mình.

Bất kể nội dung của phân tích mới này, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn vô cùng thất vọng với thực trạng của vận tải biển và sức mạnh của ba liên minh hàng hải.

Vào đầu tháng này, MCS Industries, một chủ hàng đồ nội thất của Mỹ đã đệ đơn kiện đòi bồi thường 600.000 USD lên Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC), đơn kiện nêu tên hai hãng tàu quốc tế, chủ hàng cho rằng các hãng này đã vi phạm nhiều lần các điều khoản của Đạo luật Vận chuyển Hoa Kỳ.

MCS Industries có trụ sở tại Pennsylvania, và có danh mục khách hàng bao gồm các đại gia bán lẻ như Target, Walmart, Home Depot và Lowe’s, đã đệ đơn kiện hai hãng tàu Cosco và MSC.

MCS cho biết các hãng tàu đã lợi dụng khách hàng “một cách thiếu công bằng và vô lý” và đã thông đồng với nhau để thao túng thị trường.

“Các hãng tàu quốc tế đã thực hiện các hành động một cách đồng thời và tương tự nhau để nâng cước vận tải biển và qua đó gia tăng lợi nhuận, trong khi chủ hàng và người tiêu dùng là những bên phải chịu thiệt hại”, MCS cho rằng sự thông đồng này là khả thi vì thực tế là hiện nay chỉ có ba liên minh chi phối hơn 90% các tuyến hàng hải Đông – Tây.

Đơn kiện của MCS cáo buộc, “Sự thông đồng giữa các liên minh vận tải biển đã mang lại cho các bị đơn (là các hãng tàu) một môi trường thuận lợi và cơ hội để các hãng có thể phối hợp thực hiện các hành động mang tính phân biệt đối xử với chủ hàng, chẳng hạn như hành động bị cáo buộc ở đây là vi phạm hợp đồng vận chuyển với các chủ hàng như MCS nhằm khai thác cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cước giao ngay”.

Vào ngày 10/8 vừa qua, hai nhà lập pháp lưỡng đảng, dưới sức ép của các nhà xuất khẩu nông sản, đã trình dự luật về Đạo luật Cải cách Vận tải biển lên Quốc hội, một dự luật sẽ đưa ra các yêu cầu tối thiểu mới đối với các hợp đồng dịch vụ (vận tải biển) và trao cho Ủy ban Hàng hải Liên bang (FMC) quyền hạn lớn hơn.

Đảng viên Đảng Dân chủ đến từ bang California John Garamendi, đồng tác giả của dự luật, đã chỉ ra những gì ông xem là độc quyền trong vận tải container đường biển. Ông cho biết: “Vấn đề về độc quyền trong vận tải biển hiện đang là rất nghiêm trọng, việc kiểm soát vận tải biển của một hoặc hai nhóm hãng tàu đã thực sự loại bỏ sự cạnh tranh, và điều này đã diễn ra trong nhiều năm trước khi sự hợp nhất gia tăng”.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247