Doanh nghiệp ‘3 tại chỗ’ ở TP.HCM gặp khó vì thẻ đi đường

Mặc dù thuộc đối tượng không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường, thực tế 2 ngày 23, 24/8, nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa có mã QR đều bị các chốt kiểm soát kiểm tra.

0
871
Hai ngày qua, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp mới giấy đi đường khi TP.HCM quyết định siết chặt giãn cách xã hội. Ảnh: Chí Hùng.

Ngày 24/8, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM có văn bản khẩn thiết đề nghị giải quyết ách tắc trong vận chuyển của xe vận tải hàng hóa, xe đưa đón công nhân và giấy phép đi đường của nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên cung ứng lương thực của doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo đó, ông Bé cho biết hiện nay gần 700 nhà máy, doanh nghiệp thuộc 18 Khu chế xuất, Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao đang hoạt động theo quy định “3 tại chỗ” và “một cung đường – 2 điểm đến”.

“Tại điểm c của công văn 2850 ngày 23/8 đã ghi rõ đối với phương tiện vận tải hàng hóa đã được Sở Giao thông Vận tải cấp QR Code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường. Nhưng trong thực tế 2 ngày 23, 24/8, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát kiểm tra ‘thẻ đi đường'”, ông Bé cho hay.

Do đó, HBA kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và UBND TP thông báo rõ nội dung điểm c đến tất cả các lực lượng kiểm soát, kiểm tra trên địa bàn.

Ngoài ra, xe đưa đón công nhân thuộc “3 tại chỗ”, “2 điểm đến, 1 cung đường” cần được đơn vị cấp giấy phép. “Thuận lợi nhất là Ban quản lý các khu công nghiệp – Khu chế xuất TP.HCM và Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM”, ông Bé đề xuất.

Ngoài ra, lãnh đạo HBA cho biết theo nội dung tinh thần Công văn 2800 ngày 21/8 đã nêu mã đơn vị cấp số 12 đối tượng lưu thông là nhân viên giao hàng cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn công nghiệp… do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy tuy nhiên hiện nay việc cấp giấy đang bị ách tắc.

“Bên cạnh đó, mã đơn vị cấp 3D đối tượng là nhân viên làm việc liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa do Sở Công Thương cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, ngày 22/8, lãnh đạo Sở Công Thương đã trả lời với Công ty Intel là chỉ cấp giấy cho nhân viên xuất nhập khẩu nằm trong hệ thống Logistic”, ông nói.

Do đó, ông Bé kiến nghị Ban chỉ đạo thành phố giao cho HEPZA và SHTP được cấp giấy phép đi đường thuộc mã 12 và nhân viên thuộc mã 3D nêu trên. “Hơn ai hết Ban quản lý nắm chắc và nắm rõ về tổ chức nhân sự của các doanh nghiệp trong khu. Các doanh nghiệp cam kết giữ nghiêm các quy định giãn cách và đi lại của TP”, ông Bé bày tỏ.

Cũng trong ngày 24/8, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ 23/8 đến 6/9.

Theo đó, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết hiện nay các doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu cần có giấy đi đường cho một số nhân viên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: Giao nhận hợp đồng ký kết, sửa chữa bảo trì máy móc, thiết bị, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; tài liệu chứng từ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu; chứng từ…

“Đây là các đối tượng thuộc nhóm ‘nhân viên các ngành phục vụ sản xuất’ nêu tại mục 12 phụ lục đính kèm công văn 2800”, ông nói.

Do đó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, Sở Công Thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xem xét cấp giấy đi đường cho người lao động các doanh nghiệp sản xuất. Kể cả doanh nghiệp thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

“Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp”, ông Tú cho hay.

(Theo Zing)