Swire Shipping cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh nhất kết nối Việt Nam và Mỹ

0
2166
Tàu của Swire Shipping cập cảng SP-ITC để vận chuyển hàng xuất đi Mỹ. Swire khẳng định với thời gian vận chuyển 16-18 ngày, đây là tuyến dịch vụ nhanh nhất trên thị trường Việt Nam - Bắc Mỹ.

Hãng tàu Swire Shipping có trụ sở chính tại Singapore vừa chính thức khai trương tuyến dịch vụ vận chuyển kết nối cảng TP. Hồ Chí Minh ở Việt Nam đến cảng Seattle ở bang Washington, tuyến dịch vụ mà hãng tàu container lớn thứ 30 thế giới tuyên bố rằng đây là tuyến dịch vụ nhanh nhất trên thị trường, với thời gian vận chuyển chỉ từ 16-18 ngày.

Tuyến dịch vụ này, với lịch cập cầu bến được ưu tiên tại cả hai đầu Seattle và TPHCM, được triển khai với sự hợp tác giữa Swire và UWL, thương hiệu nằm trong Top 20 công ty giao nhận hàng hóa của Mỹ. Lịch trình vận chuyển sẽ được công bố trước sáu tháng, với hai chuyến mỗi tháng và 6.000 container mới dành riêng cho các chủ hàng tại Việt Nam.

UWL là một forwarder hàng đầu trên thị trường Mỹ

Ông Rufus Frere-Smith, Giám đốc thị trường Châu Mỹ của Swire Shipping cho biết “Khi hợp tác với UWL, nhà cung cấp giải pháp logistics trọn gói và tiên tiến cho các chủ hàng của Mỹ, Swire tin rằng giải pháp vận chuyển hàng hóa qua đường biển tuyến Việt Nam – Bắc Mỹ của chúng tôi sẽ hấp dẫn các công ty xuất nhập khẩu, những khách hàng cần vận chuyển hàng trực tiếp từ cảng xuất đến cảng nhập, với thời gian vận chuyển nhanh chóng và dịch vụ đáng tin cậy”.

Hãng tàu Swire hiện đang vận hành 14 tuyến vận chuyển thương mại, kết nối hơn 400 cảng. Việc ra mắt của tuyến dịch vụ Việt Nam – Bắc Mỹ này cũng đánh dấu những nỗ lực của hãng tàu để tăng cường năng lực tại thị trường bờ Tây Hoa Kỳ. Gần đây, Swire cũng đã mở rộng quan hệ đối tác với SSA Marine để cung cấp dịch vụ cảng ở Seattle, trước đó hãng tàu cũng đã hợp tác cảng Seattle cho tuyến dịch vụ Polynesia. Tại Việt Nam, Swire đã ký kết quan hệ đối tác với cảng container SP-ITC, cảng cửa ngõ giao nhận hàng xuất nhập khẩu lớn của TPHCM, cũng như với Ben Line Agencies, nhà cung cấp dịch vụ hàng hải và logistics uy tín ở thị trường châu Á và Úc.

Ông Duncan Wright, Chủ tịch UWL cho biết: “Khách hàng yêu cầu cung cấp các giải pháp vận chuyển trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức, và tuyến dịch vụ này là một trong những cách giải quyết của chúng tôi. Tắc nghẽn và câu chuyện cước tăng sẽ đến rồi đi, nhưng các vấn đề gốc rễ thì vẫn còn ở đó, và các đơn vị nhập khẩu Mỹ đang tìm kiếm các giải pháp khả dĩ hơn để quản lý rủi ro chuỗi cung ứng. Chúng tôi ghi nhận nhu cầu rất lớn đối với trên tuyến vận chuyển TPHCM – Bắc Mỹ, và việc triển khai sản phảm này cho chúng ta thấy rằng các tuyến dịch vụ ngách nhanh hơn và đáng tin cậy vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.”

Báo cáo gần đây của Alphaliner cho thấy, thị phần của ba liên minh lớn trên tuyến xuyên Thái Bình Dương đã giảm từ 82,2% xuống còn 67,7% do các hãng tàu quyết định tung ra các dịch vụ vận chuyển độc lập cũng như sự gia nhập của nhiều hãng mới trong bối cảnh thương mại giữa châu Á và Bắc Mỹ đang bùng nổ.

Hãng tư vấn Sea-Intelligence có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch) cũng đã nghiên cứu tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương trong thời gian qua và lưu ý đến việc có nhiều tàu nhỏ hơn đã tham gia vào thị trường này trong năm 2021 vừa qua. Trên tuyến châu Á – bờ Tây Bắc Mỹ, Sea-Intelligence đã chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể từ cỡ tàu trung bình giai đoạn trước Covid là 6.000-6.500 TEU xuống chỉ còn dưới 4.500 TEU vào năm 2022. Điều tương tự cũng xảy ra ở châu Á – bờ Đông Bắc Mỹ, với sức chở trung bình giảm từ mức cơ bản ghi nhận vào năm 2020 là 7.500 – 8.000 TEU xuống chỉ còn hơn 6.000 TEU vào năm 2022.

NỀN Logistix | Kim Hải / Theo Splash247