Mới đây, Chính quyền Thành phố Thượng Hải cho biết ngày 20/5 sẽ là thời điểm chính thức để thành phố lớn nhất Trung Quốc này dỡ phong tỏa.
Khu vực đô thị của Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, đã bị phong tỏa vào cuối tháng 3 dự kiến trong hoảng thời gian 10 ngày, đây là một phần của chính sách zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc. Hầu hết dân số 25 triệu của thành phố kể từ đó đã phải sống trong tình trạng phong tỏa chặt chẽ, sự phong tỏa này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông địa phương như biểu đồ về vận tải đường bộ dưới đây minh họa.
Cho đến giữa tháng 5, chính quyền Thượng Hải vẫn chưa sẵn sàng đưa ra một xác nhận chắc chắn về thời điểm thành phố sẽ mở cửa trở lại với những ca nhiễm liên tục bùng phát trên khắp 16 quận của thành phố.
Ông Wu Qing, Phó thị trưởng Thành phố, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 13/5 rằng việc mở cửa có kiểm soát sẽ được tiến hành vào giữa tháng này, sử dụng một thuật ngữ tiếng Trung ám chỉ khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 20 tháng Năm.
Về hoạt động của cảng, ông Peter Sand, Giám đốc Phân tích tại hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, trao đổi với Splash rằng sẽ mất thêm từ 4 đến 8 tuần để hoạt động khai thác cảng bình thường trở lại, trong khi các bến cảng cửa ngõ ở Mỹ và châu Âu đã nhiều lần được các nhà phân tích cảnh báo về việc phải chuẩn bị cho hiệu ứng whiplash* từ việc Thượng Hải mở cửa trở lại.
Đối với những tập đoàn sản xuất quốc tế, việc mở cửa trở lại không thể diễn ra đủ kịp thời như mong đợi của họ, các tập đoàn này đã báo cáo về tình trạng vô cùng mệt mỏi và bi quan về cách chính quyền địa phương xử lý ổ dịch ở Thượng Hải.
Một cuộc khảo sát nhanh được thực hiện từ ngày 6-8/5, thăm dò 460 thành viên của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cho thấy chỉ một số ít công ty có thể hoạt động và phục hồi sản xuất tại Trung Quốc. Cuộc khảo sát cho thấy, nhân viên người nước ngoài đang ngày càng có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc do chiến lược khắt khe của chính quyền sở tại.
Ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi phong tỏa, các công ty chỉ có thể khởi động lại hoạt động của mình với những ràng buộc gắt gao. Chỉ 19% các công ty Đức được khảo sát có được phép sản xuất trong điều kiện bất lợi ở những khu vực này. Trong số những công ty được phép hoạt động trong tình trạng bị phong tỏa, nhiều công ty chỉ hoạt động chưa đến một nửa công suất. Cuộc khảo sát cho thấy các khó khăn về logistics, nguồn cung lao động sẵn có thấp và sự không chắc chắn do các thay đổi đột ngột trong chính sách là những nguyên nhân chính cản trở việc gia tăng năng lực sản xuất.
Gần một phần ba (28%) nhân viên nước ngoài của các công ty được khảo sát có kế hoạch rời Trung Quốc do các biện pháp kiểm soát liên quan đến covid, với 10% dự định rời Đại lục ngay cả trước khi hợp đồng lao động hiện tại của họ kết thúc.
Ông Maximilian Butek, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Thượng Hải cho biết: “Trong bối cảnh triển khai cách xử lý dịch Covid ở Trung Quốc hiện nay, thì các công ty Đức sẽ gặp nhiều thách thức khi muốn thay thế nhóm nhân sự này bằng những nhân viên mới từ nước ngoài. Hoàn cảnh hiện tại mà các công ty Đức phải hoạt động tại Trung Quốc chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn trong các tình huống khẩn cấp. Các doanh nghiệp Đức không thể tiếp tục việc sản xuất khép kín (closed-loop production) như một giải pháp lâu dài cho hoạt động tại Trung Quốc”.
Trong số các phát hiện quan trọng khác từ cuộc khảo sát, đơn vị tổ chức ghi nhận có đến 73% doanh nghiệp hoạt động trong các khu vực bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần.
Ít nhất 32 thành phố trên khắp Trung Quốc hiện đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, ảnh hưởng đến 220 triệu người, theo tính toán của kênh tin tức quốc tế CNN.
Các nhà chức trách ở Trung Quốc trong tuần này đã ban hành lệnh cấm du lịch quốc tế, nghiêm cấm công dân ra nước ngoài vì những lý do không cần thiết.
Trong một tuyên bố vào ngày 12/5, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc cho biết họ sẽ thắt chặt quy trình xem xét cấp giấy thông hành như hộ chiếu và hạn chế nghiêm ngặt những người muốn xuất cảnh.
Việc phong tỏa thành phố Thượng Hải đã để lại nhiều hệ lụy không mong muốn về sản xuất, logistics. Một trong những “nạn nhân” lớn nhất của chính sách phong tỏa được cho là các tuyến vận chuyển Nội Á.
______________
* Hiệu ứng whiplash, còn được gọi là hiệu ứng bullwhip, có nơi dịch là hiệu ứng cái roi da. Theo VILAS, Hiệu ứng bullwhip có thể được hiểu như là một hiện tượng trong chuỗi cung ứng khi số lượng đơn đặt hàng gửi cho nhà sản xuất và nhà cung cấp có sự chênh lệch lớn hơn so với nhu cầu của khách hàng. Mức ảnh hưởng của sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu lên chuỗi cung ứng tăng dần theo trình tự các giai đoạn trong chuỗi cung ứng (từ nhà bán lẻ – kênh phân phối – nhà sản xuất – nhà cung ứng). Sự khác biệt này có thể làm gián đoạn quá trình vận hành của chuỗi cung ứng do sự đánh giá không đầy đủ dẫn đến phóng đại hoặc bóp méo nhu cầu của sản phẩm.
Hiệu ứng whiplash là một trong những nguyên nhân làm tăng mức tồn kho trong chuỗi cung ứng. Theo BTV Nền Logistix, ở đây các chuyên gia muốn nhắc đến rủi ro số lượng tàu nằm chờ tại các cảng ở châu Âu và Mỹ sẽ tăng lên sau khi Thượng Hải mở cửa, do các tàu cập Thượng Hải nhiều để giải phóng hàng hóa tồn trong giai đoạn phong tỏa.
NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247