Các gã khổng lồ sản xuất của Trung Quốc điêu đứng vì lệnh phong tỏa

Dù đã được mở lại, các nhà sản xuất của Trung Quốc vẫn bị gián đoạn bởi những nút thắt trong chuỗi cung ứng. Hàng loạt nhà sản xuất đã cắt giảm dự báo trong quý II.

0
759
Hoạt động sản xuất được phục hồi trong hạn chế tại một số nhà máy Trung Quốc.

Theo Bloomberg, công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc và nhà cung cấp iPhone lớn đều đã cắt giảm triển vọng trong quý II/2022. Đó là 2 trong số các nhà sản xuất của Trung Quốc đang cảnh báo về những ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa gắt gao nhằm chống dịch.

Semiconductor Manufacturing International Co. ước tính rằng yêu cầu phong tỏa kéo dài 1 tháng ở Thượng Hải có thể khiến tình trạng thiếu hụt linh kiện trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến những rắc rối về hậu cần và xóa sổ khoảng 5% sản lượng trong quý II.

Còn Pegatron Corp. – nhà cung cấp iPhone lớn – đã cắt giảm triển vọng về lượng máy tính xách tay xuất xưởng khoảng 5-10% so với quý trước. Trước đó, hãng này dự báo mức tăng 25-30%.

Cắt giảm triển vọng

“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động đến việc phân phối sản phẩm”, Chủ tịch SMIC Gao Yonggang nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp hôm 13/5.

“Chúng tôi vẫn đang đánh giá tác động thực tế khi nhiều nhà cung cấp khởi động lại hoạt động”, ông nói thêm.

Chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm về 0) của Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của đất nước, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đã chuyển sang sống chung với virus.

Tác động đặc biệt nghiêm trọng ở Thượng Hải và các khu vực lân cận. Hôm 12/5, Hua Hong Semiconductor Ltd. – một nhà sản xuất chip có trụ sở tại Thượng Hải – cũng đã cảnh báo về tác động tiềm tàng từ việc phong tỏa và tình trạng gián đoạn đối với các hoạt động hậu cần.

Giá cố phiếu của SMIC đã tăng hơn 3,1% trên sàn Hong Kong trong phiên giao dịch ngày 13/5. Đà tăng được thúc đẩy sau khi hãng báo cáo lợi nhuận tăng gấp đôi trong quý I nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với các loại chip được sử dụng rộng rãi.

Nhưng tác động đối với các nhà sản xuất có thể lan rộng nếu chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì những yêu cầu chống dịch gắt gao. Cùng với đó là nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu làm suy yếu nhu cầu đối với hàng điện tử.

Các nhà máy tại Trung Quốc đã được mở lại theo những hệ thống quy tắc nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các nút thắt chuỗi cung ứng, từ tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đến không có tài xế giao hàng, đã làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp địa phương và những tập đoàn toàn cầu lớn như Tesla Inc. và Sony Group Corp.

Dù gần như mọi nhà máy lắp ráp của Apple ở Thượng Hải đều đã tái khởi động sản xuất, tập đoàn cho biết lệnh phong tỏa sẽ thổi bay từ 4 đến 8 tỷ USD doanh thu của hãng trong quý hiện tại. Tình trạng thiếu hụt chip cũng là trở ngại đối với Apple.

“Rất khó để dự đoán tình hình dịch bệnh”, Giám đốc điều hành Tim Cook thừa nhận. Apple cho rằng tình trạng gián đoạn do dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới người tiêu dùng Trung Quốc.

Những nút thắt chuỗi cung ứng

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của nước này đã lao dốc từ 49,5 trong tháng 3 xuống còn 47,4 vào tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Chỉ số phụ đo lường hoạt động sản xuất tại nhà máy đã giảm mạnh từ 48,8 vào tháng 3 xuống còn 44,4 trong tháng 4. Theo ông Zhao Qinghe – quan chức cấp cao của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số lao dốc mạnh do các nhà máy tạm dừng sản xuất để ngăn ngừa virus lây lan.

Các ngân hàng đầu tư và nhà phân tích tin rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ thấp hơn mục tiêu 5,5% mà giới chức nước này đặt ra trong năm 2022. Những dự báo dao động từ hơn 3% đến khoảng 4,5%.

Số ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc đã giảm. Nhưng Trung Quốc vẫn giữ nguyên các yêu cầu phong tỏa nhằm theo đuổi chiến lược Zero-Covid.

Chính quyền Thượng Hải cho biết có kế hoạch đạt mục tiêu không có ca nhiễm mới trong cộng đồng vào giữa tháng 5. Đến nay, thành phố này đã bị phong tỏa trong 6 tuần.

Hôm 12/5, thành phố 25 triệu dân ghi nhận 2.000 ca nhiễm Covid-19 mới và 2 trường hợp tử vong.

“Làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến 200 triệu chiếc điện thoại thông minh không thể xuất xưởng trong năm nay trên toàn cầu”, Giám đốc điều hành SMIC Zhao Haiju cảnh báo.

“Phần lớn trong số đó là do các nhà cung cấp điện thoại thông minh ở Trung Quốc”, ông nói thêm.

(Theo Zing)